Đường dẫn truy cập

Quốc hội Iraq hoãn biểu quyết về vấn đề binh sĩ nước ngoài


Một cuộc tranh chấp tại Quốc Hội Iraq đã buộc phải dời lại tiến trình phê chuẩn một nghị quyết cho phép các binh sĩ nước ngoài, không phải là binh sĩ Mỹ, được ở lại Iraq sau khi lệnh ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc hết hạn vào cuối tháng này. Mời quý vị theo dõi bài tường trình chi tiết do thông tín viên Edward Yeranian gửi về từ văn phòng đài VOA ở Cairo sau đây.

Các chính khách Iraq đã tiên đoán rằng Quốc Hội nước này sẽ chấp thuận một biện pháp cho phép các binh sĩ không phải là binh sĩ Mỹ được phép ở lại Iraq một cách hợp pháp cho tới tháng Bảy năm 2009. Tuy nhiên, Chủ Tịch Quốc Hội Iraq, ông Mahmoud al-Mashhadani, đã dời lại phiên họp của các nhà lập pháp sau khi một số đại biểu đòi ông từ chức.

Hồi tuần trước, Ông al-Mashhadani đe dọa sẽ từ bỏ chức vụ của ông trong một cuộc tranh luận gay gắt xoay quanh số phận của ký giả Iraq đã ném hai chiếc giầy của ông này về hướng Tổng Thống Bush. Ông al-Mashhadani đã gây phẫn nộ cho một số nhà lập pháp, những người này cho rằng ông đã hạ nhục họ và giờ đây phải giữ lời hứa sẽ từ chức.

Hiện vẫn không rõ đến lúc nào thì Quốc Hội Iraq sẽ triệu tập trở lại, tuy nhiên sự kiện Quốc Hội chưa phê chuẩn việc gia hạn thỏa thuận cho phép các binh sĩ nước ngoài, không phải là binh sĩ Mỹ tiếp tục hiện diện tại Iraq, sẽ khiến cho thành phần này không có cơ sở pháp lý để ở lại Iraq sau ngày 31 tháng 12, là lúc mà giấy ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc hết hiệu lực.

Vụ bế tắc giờ chót ấy diễn ra vào lúc mà tin cho hay Quốc Hội Iraq hôm Chủ Nhật đã đạt được một giải pháp tương nhượng, sửa đổi một dự luật thành một nghị quyết của Quốc Hội, và chỉ cần một đa số đơn giản để được thông qua.

Bà Hanin Mahmoud, một đại biểu có chân trong ủy ban chính sách đối ngoại của Quốc Hội Iraq, nhấn mạnh rằng cần nhanh chóng tìm ra một giải pháp để tránh đẩy các binh sĩ nước ngoài vào một tình trạng bất định về mặt pháp lý.

Bà nói rằng điều quan trọng là Quốc Hội Iraq phải thông qua nghị quyết liên hệ, để không gây rắc rối về mặt pháp lý hoặc tạo ra một khoảng trống an ninh cho các binh sĩ nước ngoài còn có mặt trên lãnh thổ Iraq. Thỏa thuận này chủ yếu ảnh hưởng tới các lực lượng Anh và Australia ở Iraq. Ngoài ra, một số các quốc gia khác, kể cả Estonia, Romania, El Salvador và Ukraina cũng có binh sĩ phục vụ ở Iraq.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh nói hiện nước Anh có các kế hoạch dự phòng, tuy nhiên ông nhấn mạnh là cần phải đi đến một thỏa thuận đúng đắn về việc này.

Ông Abbas Bayati thuộc đảng Liên Minh Đoàn Kết Iraq nói có một số giải pháp đang được cứu xét để chấm dứt tình trạng bế tắc hiện nay.

Ông Bayati nói các nhà lập pháp Iraq đang đối mặt với 3 sự lựa chọn. Hoặc là phải dựa trên dự luật nguyên thủy một lần nữa, hoặc là ký các thỏa thuận song phương với mỗi nước liên hệ, và phải làm điều đó trước cuối năm nay. Một giải pháp thứ 3 là xin Quốc Hội cho phép chính phủ ký thỏa thuận với các lực lượng Anh, Ukraina và Gruzia để chuẩn bị cho cuộc triệt thoái của các lực lượng này trong vòng 6 tháng.

Hoa Kỳ và Iraq đã hoàn tất hiệp định quân sự song phương mới, cho phép các binh sĩ Mỹ có mặt tại Iraq.

Thủ Tướng Anh, ông Gordon Brown đã đi thăm Iraq hồi tuần trước, lúc đó ông loan báo rằng lực lượng quân sự Anh sẽ rút ra khỏi các vị trí của họ ở miền Nam Iraq trước cuối tháng 7 năm 2009.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG