Trong mục thể thao kỳ này, chúng tôi xin điểm lại các cuộc tranh tài đáng chú nhất trong ngày cuối cùng của Olympic Bắc Kinh, và một số sự kiện nổi bật của Thế vận hội được đánh giá là thành công vượt bậc này.
Ngày cuối cùng của Olympic Bắc Kinh đã mở màn bằng cuộc thi marathon nam và phần thắng đã thuộc về Samuel Kamau Wansiru của Kenya. Lễ trao huy chương cho các nhà vô địch marathon nam là một phần của Lễ bế mạc Thế vận hội.
Cuộc tranh tài được nhiều người mong đợi trong ngày kết thúc Olympic có lẽ là trận chung kết bóng rổ nam giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Đội tuyển Mỹ đã thắng Tây Ban Nha 118-107 để giành lại chức vô địch Olympic mà họ đã để vuột mất suốt từ năm 2000 cho đến nay. Huấn luyện viên Mike Krzyzewski đánh giá đây là một trong những trận đấu bóng rổ Olympic hay nhất.
Huấn luyện viên Krzyzewski nói rằng đây là một trận đấu tuyệt vời, và các đối thủ trong đội Tây Ban Nha đã thi đấu hay ngoài sức tưởng tượng.
Đội bóng chuyền nam của Mỹ cũng đã xuất sắc đánh bại đội Brazil để mang về chiếc huy chương vàng. Huấn luyện viên Hugh McCutcheon nói rằng đội của ông đã chiến thắng do kịp thời thay đổi đấu pháp.
Huấn luyện viên McCutcheon nói rằng đội Mỹ khởi đầu khá chậm, và một phần có lẽ là do các cầu thủ Brazil có nhiều kinh nghiệm tranh huy chương vàng hơn, thế nhưng sau khi thất bại ở hiệp thứ nhất, đội Mỹ đã kịp thời thay đổi đấu pháp để cuối cùng họ giành lại được chức vô địch Olympic mà họ đã đi tìm suốt từ năm 1988 cho đến nay.
Lần đầu tiên đăng cai Olympic, Trung Quốc đã đạt được thành công vang dội không những trong khâu tổ chức mà còn cả trên bảng thành tích thể thao.
Nước chủ nhà cuối cùng đã đoạt được nhiều huy chương vàng nhất, 51 chiếc. Thành tích này chỉ đứng sau thành tích 55 huy chương vàng mà Liên Xô cũ đã giành được tại Thế vận hội Seoul năm 1988. Sau Olympic Berlin 1936 cho đến trước kỳ thế vận này, chưa có nước nào vượt qua được Mỹ và Liên Xô, nay là Nga, để dẫn đầu số huy chương vàng tại các kỳ Olympic.
Lần đầu tiên kể từ năm 1992, Mỹ bị đẩy xuống hạng thứ nhì về số huy chương vàng; họ giành được 36 chiếc kém Trung Quốc 15 chiếc. Tuy nhiên Mỹ lập được kỷ lục về tổng số huy chương tại một kỳ Olympic với tất cả là 110 huy chương các loại, hơn kỷ lục cũ 2 chiếc mà họ lập được vào năm 1992, và hơn Trung Quốc 10 chiếc.
Anh đạt được thành tích cao nhất trong lịch sử Olympic của nước này, 19 huy chương vàng, xếp thứ tư sau Nga. Với thành tích này, nước chủ nhà của Thế vận hội kỳ tới tại London năm 2012 hứa hẹn với thế giới nhiều điều hấp dẫn.
Số nước đoạt được huy chương tại Olympic Bắc Kinh kỳ này là 87 nước, tức là hơn lần cao nhất trước đây 7 nước. Đây là một kết quả đáng khích lệ đối với các nước có thành tích thể thao còn thua kém trên đấu trường Olympic.
Nước có thành tích sút giảm đáng kể nhất tại kỳ Thế vận hội này có lẽ là Nga. 10 vận động viên của nước này bị cáo buộc vi phạm danh mục thuốc cấm. Nga xếp thứ ba trên bảng tổng sắp huy chương với một khoảng cách khá xa sau hai nước dẫn đầu. Họ đoạt được 72 huy chương các loại trong đó có 23 huy chương vàng, tức là kém thành tích ở Olympic Athens 2004 đến 20 huy chương các loại, và 2 huy chương vàng.
Thành tích huy chương tại kỳ thế vận này của Đức và Nhật Bản cũng kém hơn tại Athens 4 năm về trước.
Thành tích vang dội nhất của đoàn thể thao Mỹ, và của cả Olympic kỳ này là kỷ lục 8 huy chương vàng do siêu sao bơi lội Michael Phelps lập được. Trong khi đó thành tích của Mỹ bị sút giảm nhiều nhất là trong môn quyền Anh, khi họ chỉ giành được có một huy chương đồng, và trong môn điền kinh.
Mỹ đã chứng kiến Trung Quốc vượt lên thành một đối thủ mạnh nhất của Thế vận hội mùa hè. Chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ, ông Peter Ueberroth, nhận xét rằng Trung Quốc đã hướng đến huy chương vàng của từng môn thể thao một cách có hệ thống, và đó chính là điều Mỹ phải xây dựng lại trong tương lai.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích vạch ra rằng với dân số 1 tỉ 300 triệu người thì tỉ lệ huy chương trên đầu người của Trung Quốc vẫn chưa thật sự ấn tượng so với nhiều nước khác có số dân rất ít. Trước tiên phải kể đến Jamaica với siêu sao điền kinh Usain Bolt. Đất nước với dân số 2,7 triệu người này đoạt được đến 11 huy chương các loại, tức là bình quân 245,000 người trên một huy chương.
Kế đến là Australia, với số dân chưa được 22 triệu, đã giành được đến 46 huy chương các loại, bình quân 465 ngàn người trên một huy chương. Và Cuba với hơn 11 triệu dân đã giành được đến 24 huy chương, tức bình quân 470,000 người trên một huy chương.
Những nước có dân đông nhưng không giành được huy chương gồm có Pakistan, Philippines và Bangladesh.
Ngoài ra, còn phải kể đến những nước lần đầu tiên giành được huy chương Olympic là Tajikistan, Bahrain, Togo, Sudan và Afghanistan.
Sau hơn hai tuần tranh tài sôi nổi, Thế vận hội Bắc Kinh đã chính thức kết thúc bằng một lễ hội hoành tráng cùng với màn trình diễn pháo bông ngoạn mục tại Sân vận động quốc gia ở thủ đô Bắc Kinh vào tối chủ nhật vừa qua.
Chủ tịch Jacques Rogge của y ban Olympic Quốc tế đã ca ngợi tất cả các vận động viên đến tranh tài tại Thế vận hội kỳ này.
Chủ tịch Jacques Rogge nói rằng Olympic không phải chỉ có chiến thắng và huy chương vàng, mà còn là nỗ lực của mỗi một vận động viên để đạt đến thành tích cao nhất của chính mình. Ông nói qua Thế vận hội này, cả thế giới hiểu biết nhiều hơn về Trung Quốc, và Trung Quốc cũng hiểu biết nhiều hơn về thế giới.
Theo số liệu của Ủy ban Olympic Quốc tế, thì có 43 kỷ lục thế giới và 132 kỷ lục Olympic được lập mới tại kỳ Olympic này.
Tại lễ bế mạc, cờ Olympic đã được hạ xuống để bàn giao cho đại diện của Anh Quốc. Một chiếc xe buýt hai tầng màu đỏ, một trong những biểu tượng của London, đã tiến ra giữa sân vận động. Trên xe có hai có hai nhân vật lừng danh là ngôi sao nhạc Rock - Jimmy Page của nhóm Led Zeppelin và ngôi sao bóng đá David Beckham để chào đón thế giới đến Olympic London 2012.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1