Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush vừa đến Trung Quốc và trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đi xem Olympics ở nước ngoài. Vài giờ trước khi lên đường đi Bắc Kinh, Tổng thống Bush đã đọc một bài diễn văn quan trọng về chính sách Á châu tại Thái lan. Diễn văn này tập trung phần lớn vào Trung Quốc với những lời tán tụng về tăng trưởng kinh tế và sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi chính phủ ở Bắc Kinh cải thiện thành tích nhân quyền. Từ Bangkok, Thông tín viên Luis Ramirez của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.
Tổng thống Bush cho biết rằng đây là chuyến viếng thăm Á châu lần cuối của ông trong cương vị tổng thống. Ông ca ngợi mối quan hệ đồng minh đã được siết chặt với Hoa Kỳ và những thành tựu về kinh tế khu vực này, đặc biệt là của Trung Quốc. Tuy nhiên, diễn văn của Tổng thống Bush cũng mang tới cho Trung Quốc một thông điệp thẳng thắn, chỉ vài giờ trước khi ông đến Bắc Kinh để dự lễ khai mạc Olympic.
Quan ngại sâu xa
Phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Bangkok, ông Bush nói rằng Hoa Kỳ phản đối sự trấn áp của Trung Quốc đối với dân chúng của họ.
Tổng thống Bush nói: "Hoa Kỳ tin rằng người dân Trung Quốc xứng đáng được hưởng các quyền tự do cơ bản, những quyền tự nhiên của mọi người trên thế giới. Vì vậy, Hoa Kỳ kiên quyết chống đối việc Trung Quốc bắt giam các nhân vật bất đồng chính kiến, những người cổ xướng cho nhân quyền, và những nhân vật hoạt động tích cực cho tôn giáo. Chúng tôi lên tiếng cổ xúy cho tự do báo chí, tự do tụ họp, và quyền của người lao động không phải để gây ra sự thù nghịch với Trung Quốc mà bởi vì dành cho người nhiều quyền tự do hơn là phương cách duy nhất để Trung Quốc thể hiện đầy đủ tiềm năng của mình. Và chúng tôi tranh đấu cho sự cởi mở và công lý không phải để áp đặt những niềm tin của chúng tôi mà để cho nhân dân Trung Quốc được bày tỏ niềm tin của họ."
Tổng thống Bush cũng tán tụng sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong vài thập niên qua nhờ vào công cuộc tự do hoá kinh tế. Ông tỏ ý hy vọng là cải cách chính trị và xã hội sẽ được thực hiện ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
'Thay đổi sẽ đến'
Tổng thống Bush nói: "Sự thay đổi ở Trung Quốc sẽ đến dựa trên những điều kiện của chính nước này và phù hợp với lịch sử và truyền thống của họ. Nhưng thay đổi chắc chắn sẽ đến. Và mọi người sẽ nhận thấy một cách rõ ràng là những người muốn phát biểu theo lương tâm của mình và thờ phượng Thiên Chúa của mình không tạo ra mối đe dọa nào tới tương lai của Trung Quốc. Họ chính là những người sẽ xây dựng một đất nước Trung Quốc vĩ đại của thế kỷ 21."
Ông Bush cũng nhắc lại lời kêu gọi mà Washington vẫn thường nêu ra trước đây là Bắc Kinh nên hành xử một cách có trách nhiệm trong cương vị mới của một cường quốc kinh tế thế giới. Ông nói rằng một cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có mục đích bảo đảm cho sự tăng trưởng lâu bền.
Ông Bush giải thích thêm: "Thông qua những cuộc thảo luận này và những cuộc gặp gỡ khác, chúng tôi nói rõ với Trung Quốc rằng song song với vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu là nhiệm vụ phải hành động một cách có trách nhiệm đối với nhiều vấn đề, từ vấn đề năng lượng, môi trường cho đến vấn đề phát triển ở Phi châu."
Kêu gọi cải thiện nhân quyền
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng lên tiếng kêu gọi các nước khác ở Á châu cải thiện thành tích nhân quyền. Ông nói rằng Washington mưu tìm sự kết liễu của điều mà ông gọi là chế độ bạo ngược ở Miến điện. Ông yêu cầu tập đoàn tướng lãnh Miến điện trả tự do cho lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi và tất cả các tù nhân chính trị khác. Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đòi hỏi Bắc Triều Tiên chấm dứt sự cai trị thô bạo và tôn trọng nhân quyền của người dân ở Bắc Triều Tiên.
Trước khi rời Thái lan để đi Trung Quốc, Tổng thống Bush cũng đã gặp gỡ các nhân vật bất đồng chính kiến Miến điện và đến thăm một nơi nuôi nấng các trẻ em bị nhiễm vi rút HIV ở Bangkok.
Không lâu sau khi Tổng thống Bush đọc bài diễn văn ở Thái Lan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phổ biến một thông cáo nói rằng: người dân Trung Quốc đang được hưởng nhiều quyền tự do. Thông cáo cũng bày tỏ sự chống đối đối với điều mà họ gọi là 'bất cứ ngôn từ hay hành động nào' can dự tới công việc nội bộ của các nước khác.