Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên chuẩn bị đối phó với biểu tình phản đối đuốc Thế vận


Các tổ chức nhân quyền ở Nam Triều Tiên cho biết họ sẽ xuống đường biểu tình vào cuối tuần này để phản đối đuốc Thế vận Bắc Kinh. Để duy trì trật tự, chính phủ Nam Triều Tiên dự trù điều động hàng ngàn cảnh sát, kể cả các lực lượng tinh nhuệ để hộ tống ngọn đuốc trên tuyến đường rước đuốc chưa được công bố đầy đủ. Từ Hán Thành, thông tín viên Kurt Achin của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Tòa Đại sứ Mỹ ở Hán Thành khuyên những người Mỹ ở thủ đô Nam Triều Tiên tránh ra đường vào ngày chủ nhật này, là lúc đuốc Thế vận Bắc Kinh sẽ đến Hán Thành.

Trong vài tuần qua, các buổi lễ rước đuốc đã bị gián đoạn tại những thành phố lớn khác trên thế giới bởi những người chống đối những hành vi chà đạp nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là sau vụ đàn áp ở Tây Tạng hồi trung tuần tháng 3.

Hai tổ chức nhân quyền Nam Triều Tiên đã loan báo kế hoạch biểu tình vào ngày chủ nhật. Theo kế hoạch, các cuộc biểu tình sẽ diễn ra ở địa điểm xuất phát và điểm đích của lễ rước đuốc xuyên qua thành phố. Tuy nhiên, giới hữu trách Hán Thành chưa tiết lộ chi tiết của lộ tuyến này.

Ông Jung Woong Ki, phát ngôn viên của tổ chức có tên là Liên hiệp Hòa bình Tây Tạng, dự trù thực hiện một cuộc rước đuốc khác, được đặt tên là 'đuốc Hòa bình'. Ông đã nhấn mạnh đến việc phản đối Trung Quốc bằng đường lối ôn hòa.

Ông Jung nói rằng biểu tình bạo động sẽ làm yếu đi những lời chỉ trích của tổ chức ông đối với những hành vi bạo động của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc xảy ra những vụ xô xát với những du học sinh Trung Quốc ở Hán Thành.

Ông Kim Kyu Ho, Tổng thư ký của tổ chức Trách nhiệm Xã hội của người Cơ đốc giáo, cho biết rằng cuộc biểu tình của tổ chức ông nhắm tới hai mục tiêu.

Theo lời ông Kim, những người trong tổ chức ông muốn thuyết phục Trung Quốc ngưng sử dụng vũ lực ở Tây Tạng và ngưng ép buộc những người Bắc Triều Tiên đang tị nạn ở Trung Quốc phải trở về nước.

Có ít nhất 100,000 người Bắc Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc sau khi vượt biên để tránh nạn bách hại chính trị và nạn đói. Những người bị giới hữu trách Trung Quốc trục xuất về Bắc Triều Tiên thường xuyên bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí còn bị xử tử. Những người chưa bị trục xuất thì không được đi học và không nhận được những dịch vụ cơ bản. Nhiều người phải lâm vào tình cảnh bị ngược đãi, lạm dụng như phải hành nghề mại dâm.

Bà Kay Soek là đại diện ở Hán Thành của tổ chức Human Rights Watch. Bà nói rằng lễ rước đuốc Thế vận Bắc Kinh ở Nam Triều Tiên là một cơ hội tốt để chính phủ ở Hán Thành bày tỏ sự quan tâm về cách đối xử của Trung Quốc đối với người Bắc Triều Tiên.

Bà Seok nói: "Sự bày tỏ quan tâm này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau. Có thể là một bài diễn văn đọc trước công chúng, một thông cáo, hay một văn thư. Thậm chí chúng ta còn có thể trình bày về vấn đề này trong các cuộc họp kín với phía Trung Quốc."

Theo lịch trình đã được ấn định, vào thứ hai tuần sau đuốc Thế Vận sẽ được đưa tới Bình Nhưỡng, là nơi mà chính quyền không cho phép thực hiện bất kỳ một hoạt động phản kháng nào. Các giới chức Bắc Triều Tiên đã loan báo trong cuộc họp báo mới đây rằng đuốc Thế Vận sẽ được hàng trăm ngàn người ở nước họ vẫy cờ chào đón.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG