Đường dẫn truy cập

Nên hay không nên truy tố ông Suharto?


Sức khỏe suy sụp của cựu Tổng thống Suharto của Indonesia đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc ông và gia đình ông có nên bị truy tố về tội tham nhũng và những vụ vi phạm nhân quyền trong thời gian 32 năm cầm quyền hay không. Từ Jakarta, thông tín viên Chad Bouchard của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Trong lúc ông Suharto đang ở trong tình trạng có thể gọi là hấp hối, những người biểu tình đã hối thúc chính phủ chớ hủy bỏ những hành động pháp lý chống lại ông về các cáo giác tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Theo cáo giác, ông Suharto phải chịu trách nhiệm đối với vụ đại thảm sát trong chiến dịch chống Cộng giết chết hơn nửa triệu người trong năm 1967, xử tử 8,000 người bị cho là tội phạm hình sự trong năm 1983, và giam cầm hàng ngàn tù nhân chính trị trong thời gian nắm quyền.

Ngoài ra, nhiều người Indonesia tin rằng con cái và bạn bè của ông Suharto đã tích lũy những tài sản khổng lồ thông qua những hành vi tham ô và những biện pháp ưu đãi bất chính của chính phủ ông.

Tuy nhiên, đối với vị cựu tổng thống độc tài này dân chúng Indonesia có hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi những nhân vật tranh đấu cho dân chủ và các cựu tù nhân chính trị xem ông như một tội phạm hình sự, những người khác lại xem ông là một người có thể gọi là cha già dân tộc và đã có công hiện đại hóa kinh tế đất nước trong thời gian 32 năm cầm quyền.

Bà Dewi Fortuna Anwar, một nhà phân tích chính trị thuộc Viện Khoa học Indonesia, cho biết như sau về lập luận của những người tham gia cuộc tranh luận về công và tội của ông Suharto.

Bà Anwar nói: "Một mặt, có nhiều người tin rằng chúng ta không thể tiến tới nếu không giải quyết được các vấn đề của quá khứ. Họ đề nghị thành lập một ủy ban sự thật và hòa giải. Tuy nhiên, những người khác thì tin rằng nếu chúng ta cứ ra công đào bới quá khứ thì đất nước khó lòng có thể tiến tới. Trong thời gian qua, Indonesia đã tiến tới với những bước khập khiểng trong lúc không giải quyết những vấn đề của quá khứ. Tôi nghĩ rằng xu thế hiện nay là tiến hành hòa giải mà không cần tìm hiểu sự thật."

Theo bà Anwar, một số tội ác, kể cả vụ đại thảm sát trong chiến dịch chống cộng, có thể quá rùng rợn và có quá nhiều người nhúng tay vào cho nên khó lòng có thể khui lại mà không tạo ra nhiều vấn đề rất đau lòng và rất khó giải quyết.

Cựu lãnh tụ độc tài năm nay 86 tuổi này đã ở trong tình trạng nguy kịch kể từ khi được đưa vào bệnh viện hôm mồng 4 tháng này vì những chứng bệnh nặng về tim, phổi và thận. Từ đó tới nay, nhiều vị bộ trưởng trong chính phủ, các minh tinh điện ảnh và các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến bệnh viện thăm ông; và ngày càng có nhiều các nhà lãnh đạo chính trị kêu gọi tha thứ cho ông.

Ngay cả những thành viên quan trọng của phong trào dân chủ từng yêu cầu ông Suharto từ chức hồi cuối thập niên 1980 cũng tỏ ý cho biết rằng có thể đã quá trễ để thực thi công lý, và tốt hơn hết là tha thứ để tiến tới.

Hôm qua, Tổng thống Đông Timor Jose Ramos Horta đã kêu gọi dân chúng nước ông tha thứ cho ông Suharto, người đã ra lệnh xâm lăng Đông Timor năm 1975. Khoảng 100 ngàn người Đông Timor đã thiệt mạng dưới ách cai trị của Indonesia trước khi phần đất từng là thuộc địa Bồ đào Nha này giành được độc lập vào năm 1999.

Ông John McGlynn là người sáng lập Quĩ Lontar, một tổ chức quảng bá văn hóa và văn học Indonesia ở Jakarta. Ông McGlynn cho rằng sự thông cảm đối với ông Suharto có thể chỉ là một phản ứng có tính chất tạm thời vì tình trạng đau yếu của cựu lãnh tụ độc tài này.

Ông McGlynn nói thêm như sau: "Người ta có thể cảm thấy tội nghiệp. Ngay cả những người cứng lòng nhất cũng nghĩ rằng: hãy bỏ qua cho ông già này đi, ông ấy đã cố gắng làm điều này điều nọ và đã phạm sai lầm. Tuy nhiên, có rất nhiều những sai lầm mà chúng ta cần phải xem xét. Tôi nghĩ rằng đất nước này sẽ không thể có ổn định và thật sự trưởng thành cho tới khi nào thẳng thắn đối mặt với quá khứ."

Ông McLynn cũng nhận xét rằng nhiều cựu tù nhân chính trị không sẵn lòng tha thứ cho ông Suharto và việc đòi hỏi công lý có thể sẽ gia tăng sau khi ông Suharto qua đời.

Tuần trước, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ thị cho viên tổng chưởng lý đưa ra một đề nghị hòa giải với gia đình ông Suharto để chấm dứt vụ kiện dân sự về tham ô đòi họ bồi thường 1 tỉ 500 triệu đô la. Các luật sư của gia đình ông Suharto đã bác bỏ đề nghị vừa kể.

Tổng thống Yudhoyono cũng kêu gọi dân chúng tạm ngưng tranh luận về những vụ kiện tụng của ông Suharto trong thời gian ông này lâm bệnh nặng.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG