Đường dẫn truy cập

Ðặc sứ Mỹ đến Châu Á để thảo luận về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên


Người đại diện cao cấp của Washington trong các cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên vừa trở lại Châu Á để thảo luận về việc Bắc Triều Tiên đã không thực hiện lời hứa. Bình nhưỡng đã trễ thời hạn đã đề ra cho việc cung cấp bản khai báo tất cả các hoạt động hạt nhân vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, các giới chức Bắc Triều Tiên vẫn nói rằng họ đã chu toàn trách nhiệm của mình, và đưa ra những luận điệu mới để công kích Hoa Kỳ. Từ thủ đô Hán Thành, phái viên Kurt Achin gởi về bài tường trình chi tiết sau đây.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Christopher Hill kêu gọi mọi người hãy có thái độ nhẫn nại và kiên trì đối với Bình Nhưỡng, khi ông đến Tokyo hôm nay để bắt đầu những hoạt động ngoại giao con thoi trong một tuần lễ nhằm đưa Bình Nhưỡng trở lại với tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã hứa sẽ khai báo chi tiết tất cả các cơ sở và các chương trình hạt nhân của họ trước cuối năm 2007, như hành động mở đầu của việc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, cho đến nay bản kê khai đó vẫn chưa được đưa ra.

Hôm thứ sáu vừa qua, Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên cho hay họ đã kê khai một cách đầy đủ các chương trình hạt nhân của họ với Hoa Kỳ hồi tháng 11. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưỡng nói rằng Bắc Triều Tiên hầu như đã làm xong tất cả những gì họ có thể làm theo thoả thuận hồi năm ngoái.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Cho Hee-young nói rằng Hán Thành lấy làm tiếc về việc Miền Bắc chưa cung cấp bản khai báo hạt nhân. Ông Cho nói thêm rằng những gì mà Bình Nhưỡng cung cấp hồi tháng 11 là không đầy đủ.

Ông Cho Hee-young nói rằng Bắc Triều Tiên đã thảo luận về một vài yếu tố của bản kê khai hạt nhân với Đặc sứ Christopher Hill của Hoa Kỳ, nhưng đã không cung cấp bất kỳ một tài liệu chính thức nào như họ đã hứa.Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc, là nước chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, cũng không nhận được bản khai báo nào từ phía Bình Nhưỡng.

Vấn đề chính gây ra tình trạng bế tắc hiện nay dường như là điều mà Washington nói là một chương trình bí mật sản xuất chất uranium mà Bắc Triều Tiên đã tiến hành. Bình nhưỡng đã phủ nhận có một chương trình như vậy, và ông Hill cho biết rằng một chương trình như thế không có trong danh sách sơ khởi về các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong những ngày gần đây, Bắc Triều Tiên đã liên tục nhắc lại quyết tâm mà họ gọi là 'tăng cường khả năng răn đe hạt nhân', và cáo buộc Washington muốn làm bá chủ các nước khác.

Bình nhưỡng cũng cho hay rằng Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã chậm trễ trong việc chuyển giao các khoản viện trợ về năng lượng như đã hứa trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân đạt được hồi năm ngoái. Hán Thành và Washington bác bỏ tố cáo vừa kể.

Ông Brian Myers, Giáo sư môn quan hệ quốc tế tại Đại học Dongseo của Nam Triều Tiên nói rằng: những luận điệu của Bắc Triều Tiên, và việc Bình Nhưỡng không chu toàn việc khai báo vũ khí hạt nhân, chính là biện pháp mà lãnh tụ Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên sử dụng để duy trì tình trạng căng thẳng.

Ông Myers nói: “Chúng ta cần phải nhớ rằng sự căng thẳng với Hoa Kỳ rất cần thiết cho sự tồn tại của ông Kim Jong Il về mặt chính trị. Toàn bộ tính chất chính thống của chế độ của ông Kim bắt nguồn từ việc tuyên bố rằng chế độ này bảo vệ cho Bắc Triều Tiên trước sự đe dọa của Mỹ. Vì vậy tôi nghĩ rằng đối với ông Kim thì cuộc đàm phán 6 bên là một phương cách để ông duy trì sự căng thẳng trong những giới hạn có thể kiểm soát được.”

Ông Hill dự định sẽ đến thăm Nam Triều Tiên, Trung Quốc, và Nga trong tuần này.Khi đến Hán Thành, ông Hill sẽ có cuộc hội kiến với ông Lee Myung-bak, người mới đắc cử vào chức vụ Tổng thống Nam Triều Tiên. Ông Lee tuyên bố rằng ông sẽ áp dụng một chính sách cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng, so với người tiền nhiệm của ông là Tổng thống Roh Moo-hyun.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG