Đường dẫn truy cập

Israel, Palestine cam kết đạt hiệp định hòa bình trước cuối năm 2008


Hôm thứ ba, Thủ tướng Israel Ehud Olmert và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đồng ý thực hiện mọi nỗ lực để ký kết một hiệp định hòa bình giữa hai nhà nước trước cuối năm tới. Cam kết này đã được Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush loan báo trong phiên họp chính thức khai mạc hội nghị hòa bình Trung đông tại thành phố Annapolis, Tiểu bang Maryland của Hoa Kỳ. Thông tín viên David Gollust của đài chúng tôi gửi về bài tường trình sau đây.

Những người tham dự chính tại hội nghị đã loan báo ngay thỏa thuận mà họ dự kiến sẽ đạt được để phát động nỗ lực nhằm đạt được một hiệp định hòa bình giữa Israel và người Palestine trước khi kết thúc thời hạn phục vụ của tổng thống Bush.

Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị qui tụ các quan chức cao cấp của gần 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, tổng thống Bush đã đọc một tuyên bố chung, ủy thác cho các bên liên hệ nhiệm vụ 'quảng bá một văn hóa hòa bình, bất bạo động' và bắt tay ngay vào các cuộc thương lượng hòa bình về quy chế chung cuộc.

Tổng thống Bush nói: "Để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu 2 nhà nước Israel và Palestine cùng sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh, chúng tôi đồng ý mở ngay các cuộc thương lượng song phương với thực tâm để ký kết một hiệp định hòa bình giúp giải quyết quyết tất cả mọi vấn đề còn tồn đọng, kể cả những vấn đề cốt lõi như đã được nói rõ trong các thỏa thuận trước đây. Chúng tôi đồng ý ra sức tiến hành thương thuyết ráo riết và liên tục và sẽ thực hiện mọi nỗ lực để ký kết một hiệp định trước cuối năm 2008."

Tổng thống Bush nói rằng các bên liên hệ sẽ thiết lập một ủy ban hướng dẫn để hội họp liên tục, bắt đầu vào ngày 12 tháng 12 nhằm thúc đẩy tiến trình này, và cứ mỗi hai tuần sẽ có những cuộc họp bổ sung của tổng thống Abbas và thủ tướng Olmert.

Các bên liên hệ cũng đồng ý thực hiện những nghĩa vụ được quy định bởi bản lộ đồ năm 2003 do nhóm’Bộ Tứ’quốc tế về Trung Đông đề xuất - tức là các nước Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp Châu Âu và LHQ - theo một tiến trình sẽ được Hoa Kỳ theo dõi.

Mặc dù tình hình hiện nay bị làm cho lu mờ bởi nhiều vấn đề, trong đó có sự chia rẽ trong hàng ngũ Palestine khiến đưa đến việc phong trào Hồi giáo cực đoan Hamas nắm quyền kiểm soát tại giải Gaza, tổng thống Bush nói rằng đã đến lúc để thực hiện sáng kiến này. Ông nói hiện đang diễn ra một cuộc đấu tranh vì tương lai của vùng Trung đông và rằng nhất định không thể để cho các phần tử cực đoan giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

Những chướng ngại đối với một thỏa thuận hòa bình đã được nêu bật trong các bài diễn văn sau đó của hai nhân vật chủ yếu. Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas nhấn mạnh đến nhu cầu phải giải quyết vấn đề người tỵ nạn Palestine trong tất cả mọi khía cạnh của vấn đề, và ông khẳng định quyết tâm của người Palestine muốn đặt thủ đô của một quốc gia Palestinee mới tại phía Đông thành phố Jerusalem.

Qua lời một người phiên dịch, Tổng Thống Abbas mô tả cuộc họp tại Annapolis là một bước ngoặt quyết định đối với khu vực, ông nói rằng những điều kiện cho hòa bình có phần chắc sẽ khó có thể thuận lợi nếu các nỗ lực hiện nay thất bại.

Tổng Thống Abbas nói: "Khu vực của chúng ta đang đứng trước một ngã ba đường vốn cũng là điểm chia cắt hai giai đoạn lịch sử. Một giai đoạn trước hội nghị Annapolis và một giai đoạn sau hội nghị Annapolis. Nói cách khác, cơ hội to lớn phi thường này do lập truờng của các nước Ả Rập, của thế giới Hồi Giáo và và quốc tế mang lại ngày hôm nay, và sự ủng hộ vô cùng rộng rãi trong công luận tại cả hai xã hội Palestine và Israel đối với sự cần thiết phải khai thác cơ hội do hội nghị này mang lại để phát động tiến trình thương thuyết, và đừng bỏ lỡ triển vọng tiềm tàng do hội nghị này cung cấp…Tôi xin được nói rằng cơ hội này có thể sẽ không đến với chúng ta thêm một lần nữa."

Ông Abbas nhấn mạnh sự cam kết của ông đối với những người Palestine cư ngụ tại dải Gaza, nơi mà các điều kiện nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn dưới quyền cai trị của phe Hamas. Tuy không nêu đích danh nhóm Hamas, Tổng Thống Abbas đã lên tiếng cam kết với cư dân Gaza, theo nguyên văn lời ông, rằng 'những giờ phút đen tối của quý vị sẽ chấm dứt'.

Về phần mình, Thủ Tướng Ehud Olmert nhấn mạnh định sự cam kết của Israel đối với tiến trình hòa bình, bất chấp các cuộc tấn công khủng bố do người Palestinee thực hiện trong những năm gần đây, và bất kể các các cuộc tấn công liên tục bằng rốckết vào miền Nam Israel do các phần tử cực đoan ở Gaza tiến hành.

Cũng qua lời một người phiên dịch, ông Olmert nói giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ qua sẽ là một tiến trình đầy gian khổ đối với tất cả mọi bên liên hệ, tuy vậy, là điều không thể tránh được.

Ông Olmert phát biểu: "Tôi tin rằng không có một con đường nào khác hơn là con đường dẫn tới hòa bình. Tôi tin rằng sẽ không có một giải pháp nào công bình, khác hơn là giải pháp hai quốc gia cho hai dân tộc chúng ta. Tôi tin rằng không có con đường nào mà không đòi hỏi những thỏa hiệp đầy khó khăn đối với quý vị, người Palestinee, hoặc đối với chúng tôi, người Israel."

Là kết quả của nhiều tháng vận động ngoại giao ráo riết của Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Condoleeza Rice, hội nghị Annapolis có sự tham dự của các nước Hồi Giáo chủ yếu và nhiều nước Ả Rập vốn không có quan hệ ngoại giao với Israel.

Ông Olmert nói nguyện vọng của Israel là có quan hệ bang giao bình thường với tất cả các nước đó. Ông kêu gọi thế giới Ả Rập rộng lớn, hãy chấm dứt điều mà ông mô tả là
'thái độ tẩy chay, xa lánh và bỏ quên’ đối với quốc gia Do Thái.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG