Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ cam kết sẽ theo dõi khẩn cấp sau thỏa hiệp Israel-Palestine


Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, cam kết thực hiện công tác theo dõi khẩn cấp sau khi đạt được thỏa hiệp giữa Israel và Palestine ngày hôm qua tại Annapolis, bang Maryland nhằm nối lại các cuộc hòa đàm về tình trạng chung quyết sau 7 năm gián đoạn. Tổng thống Bush hội đàm với Thủ tướng Israel Ehud Olmert và Tổng thống Abbas của Palestine tại Tòa Bạch Ốc hôm nay để giúp khởi sự tiến trình này. Phái viên David Gollust của VOA có bài tường trình chi tiết sau đây.

Thỏa hiệp tái tục các cuộc đàm phán là kết quả của nhiều tuần lễ vận động ngoại giao do Hoa Kỳ lãnh đạo và các giới chức chính phủ cho biết bản thỏa hiệp đạt được chỉ một thời gian ngắn trước khi Tổng thống Bush loan báo tại buổi khai mạc hội nghị ở thành phố Annapolis trong bang Maryland.

Các bên đã đồng ý tiến hành ngay các cuộc thương thuyết về giải pháp hai quốc gia trong cuộc tranh chấp về Trung Đông và thực hiện mọi nỗ lực để đạt được một thỏa hiệp trước cuối năm 2008.

Hai bên cũng cam kết thi hành các nghĩa vụ của mình chiếu theo lộ đồ hòa bình năm 2003 và đồng ý là Hoa Kỳ sẽ theo dõi và đánh giá việc hoàn thành kế hoạch xây dựng niềm tin của đôi bên.

Loan báo vừa kể không cho thấy tiếân bộ nào về các vấn đề cốt lõi trong cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine, tỷ như tình trạng của thành phố Jerusalem và quyền của những người Palestine tỵ nạn, và các giới chức Hoa Kỳ thừa nhận rằng khó mà giữ đúng thời biểu về tiến trình hòa bình mà các nhà lãnh đạo đã loan báo.

Tuy nhiên, trong phát biểu kết thúc buổi họp tối qua, ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice nói rằng chuyện khó khăn trong việc giải quyết vấn đề không có nghĩa là không thể giải quyết được, nhất là khi có sự tham gia của quốc tế như đã thấy tại Hội nghị ở Annapolis.

Bà Rice nói: “Công việc này sẽ khó khăn, nó bao gồm những rủi ro và hy sinh của tất cả những người có liên quan. Nhưng những gì diễn ra hôm nay cho thấy một cách rõ ràng là cộng đồng quốc tế sẽ hoàn toàn ủng hộ con đường mà hai bên đã chọn. Tổng thống Bush và tôi đã cam kết Hoa Kỳ sẽ không ngừng ủng hộ để thực hiện mục tiêu này. Nền hòa bình giữa Israel và Palestine là một mối quan tâm đối với quốc gia Hoa Kỳ và giờ đây chúng ta đang có cơ hội thực sự để đạt tiến bộ.”

Các giới chức cao cấp của gần 50 quốc gia và các tổ chức trên thế giới tham gia hội nghị ơ Annapolis, trong số đó có nhiều nước Ả Rập không có quan hệ ngoại giao với Israel, nổi bật là Ả Rập Saudi và Syria.

Bà Rice cho biết trong một phát biểu vào lúc kết thúc phiên họp toàn thể ở Annapolis Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Amr Moussa đã tái khẳng định kế hoạch hòa bình năm 2002 của Liên đoàn, đề nghị nhiều nước Ả Rập công nhận Israel về mặt chính trị nếu Israel đạt được thỏa hiệp hòa bình với Palestine và triệt thoái khỏi tất cả các vùng đất của người Ả Rập đang bị Israel chiếm đóng.

Ngoại trưởng Rice nhấn mạnh đến sự hiện diện của nhiều nước Ả Rập tại hội nghị Annapolis, vừa để hậu thuẫn cho vị thế của ông Abbas trong việc đối đầu với phong trào Hamas của các phần tử chủ chiến Hồi giáo, vừa để tìm cách thuyết phục công chúng Israel rằng các tương nhượng để đạt được hòa bình sẽ được tưởng thưởng.

Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị, Thủ tướng Olmert của Israel tuyên bố ông hy vọng là thỏa hiệp đạt được ở Annapolis sẽ đem lại hòa bình trong khu vực, nhưng ông nói rằng để đi đến hòa bình, các quốc gia Ả Rập phải cởi mở và chấm dứt nhiều thập kỷ thù nghịch đối với quốc gia Do thái.

Ông Olmert phát biểu qua lời một thông dịch viên: "Thủ tướng Israel nói rằng đây cũng là thời điểm cho các nước Ả Rập. Họ không thể tiếp tục mãi mãi đứng ngoài quan sát. Họ không thể chỉ đứng bên lề nhìn ngắm con tàu hòa bình đi qua. Đã đến lúc họ phải chấm dứt thái độ tẩy chay, xa lánh và lãng quên quốc gia Israel. Theo ông, thái độ đó không giúp ích gì cho họ và chỉ có hại cho Israel."

Về phần mình, tổng thống Abbas nhấn mạnh đến vấn đề định cư toàn bộ người tị nạn lâu nay và về việc đặt thủ đô cho một nước Palestine mới tại đông bộ Jerusalem. Cũng qua lời một thông dịch viên, ông Abbas nói bất kể những sự bất mãn của người Palestine, họ sẵn sàng sống trong tư thế những người láng giềng của Israel.

Ông Abbas nói rằng không có ai trong hai bên đi xin xỏ hòa bình. Đây là lợi ích chung của cả hai bên. Ông cho rằng hòa bình và tự do là một quyền hạn cho cả hai bên. Đã đén lúc chấm dứt chu kỳ của máu đổ, của bạo động và sự chiếm đóng.

Một ủy ban điều hành do các nhà lãnh đạo Israel và Palestine thành lập để tiến hành tiến trình hòa bình sẽ bắt đầu làm việc vào ngày 12 tháng 12, vài ngày trước khi diễn ra hội nghị của các nước cấp viện tại Paris nhằm giúp xây dựng các cơ cho một quốc gia Palestine.

Ngoại trưởng Rice cho biết nhóm Bộ tứ về hòa bình Trung Đông, gồm Hoa Kỳ, Nga, Liên hiệp Châu Âu và Liên hiệp quốc cũng nhóm họp tại Paris bàn về cách thức hậu thuẫn cho bản thỏa hiệp đạt được ở Annapolis.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG