Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ bênh vực cho việc làm ngơ trước tham nhũng ở Iraq


Ngoại trưởng Hoa Kỳ bà Condoleezza Rice bênh vực cho những nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc điều tra vụ tham nhũng ở Iraq ngày hôm qua khi bà trả lời những câu hỏi sắc bén của những người thuộc phe dân chủ tại Ủy ban của Hạ viện Hoa Kỳ. Bà Rice cũng biện minh cho Bộ Ngoại giao trong việc giải quyết sự cố hôm 16 tháng 9 vừa qua tại thủ đô Baghdad, ngày mà nhân viên của một công ty bảo vệ tư nhân bị cáo buộc đã nổ súng vào những thường dân Iraq không có vũ khí trên đường phố của thủ đô Baghdad.

Hôm qua, những người thuộc đảng Dân Chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ đã đưa ra cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice những lời cáo buộc nghiêm khắc. Họ nói rằng Bộ Ngoại giao đã làm ngơ trước nạn tham nhũng trong chính phủ Iraq và Bộ Ngoại giao cũng đã để lơ là trong việc giám sát các nhà thầu cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh.

Những người thuộc phe Dân chủ đã nêu lên lời khai của cựu giới chức chống tham nhũng hàng đầu ở Iraq hồi đầu tháng 10. Chánh án Radhi al-Rahdi cho rằng Thủ tướng Nouri al-Maliki đã ra lệnh cấm tòa án không được điều tra bất kỳ một thành viên nào trong chính phủ mà không được phép của ông.

Hôm qua Chủ tịch Ủy Ban Giám sát của Hạ viện, Dân biểu Henry Waxman nói rằng ông có trong tay một bản photocopy của mệnh lệnh mà ông Maliki đưa ra. Ông Henry Waxman, thuộc đảng Dân chủ đại diện tiểu bang California nói như sau:

“Đó không phải là những lời cáo buộc không có bằng chứng. Đây là sắc lệnh của ông Nouri al-Maliki, rằng không ai sẽ bị đưa ra tòa nếu chưa được sự đồng ý của ông. Bây giờ thì chúng tôi không chỉ lo ngại về tình hình tham nhũng, mà chúng tôi còn lo ngại rằng một phần của số tiền tham nhũng – hàng chục tỉ đôla sẽ được dùng để hỗ trợ cho các phần tử nổi dậy đang giết hại các binh sĩ Hoa Kỳ.”

Ngoại trưởng Condoleezza Rice đáp lại rằng: “Chúng ta không phải đang chiến đấu ở Iraq để giúp cho ông Maliki ngồi yên ở chức Thủ tướng. Chúng ta chiến đấu để giúp nhân dân Iraq, để xây dựng một chính phủ dân chủ có thể mang lại ấm no hạng phúc cho người dân. ”

Ngoại trưởng Rice nhiều lần nhấn mạnh rằng bà không muốn tranh luận về điều mà bà gọi là những cáo buộc không có chứng cớ cụ thể đối với ông Maliki. Nhưng bà Rice cũng đoan quyết rằng chính quyền của Tổng thống Bush sẽ không làm ngơ trước những vụ tham nhũng tại Iraq.

Ngoại trưởng Condoleezza Rice phát biểu như sau: “Đây là chính sách của chính phủ Mỹ và tôi chắc chắn rằng Tổng thống Bush cũng mạnh mẽ ủng hộ điều này, tức là không thể để cho những giới chức tham nhũng có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu. Và điều đó có nghĩa là không có giới chức nào, bất kể là họ cao tới bậc nào, lại có thể được miễn trừ không bị điều tra, bị truy tố, hoăïc kể cả việc bị trừng phạt nếu bị xét thấy là có tham nhũng.”

Nhiều câu hỏi đưa ra hôm qua có liên quan tới sự cố mà các nhân viên của Blackwater USA, một công ty bảo vệ tư nhân của Hoa Kỳ, bị cho là đã nổ súng và giết chết 17 thường dân Iraq. Cơ quan điều tra Liên bang, gọi tắt là FBI, đang điều tra về vụ này.

Dân biểu John Sarbanes, thuộc phe Dân chủ đại diện tiểu bang Maryland nêu lên câu hỏi là phải chăng bà Rice cảm thấy "hối tiếc" về việc quản lý lơ là của Bộ Ngoại giao đối với công ty bảo vệ này, trước khi họ gây ra các vụ nổ súng,.

Ngoại trưởng Condoleezza Rice trả lời như sau: “Thưa ông Dân biểu, bất cứ khi nào có một sự cố như vậy xảy ra, tôi đều cho rằng tôi có trách nhiệm là phải thừa nhận vấn đề và sẽ cố gắng sữa chữa.”

Dân biểu John Sarbanes nói thêm: “Đó không phải là thắc mắc của tôi. Ttôi chỉ muốn hỏi là liệu Ngoại trưởng có hối tiếc về những thất bại của Bộ Ngoại giao, bà có hối tiếc về những thất bại của bà trong việc điều hành các công ty hợp đồng này một các lỏng lẻo hay không.”

Bà Rice nói: “Chắc chắn tôi cảm thấy rất tiếc rằng chúng tôi đã không có được sự giám sát chặt chẽ mà lẽ ra tôi phải cương quyết áp dụng cho bằng được. Hiện nay chúng tôi đã có được sự giám sát như vậy, và đó là trách nhiệm của chúng tôi trong tư cách là những người quản lý, chúng tôi phải biết rằng khi nào có vấn đề, thì cần phải tiến hành điều tra vấn đề đó một cách thấu đáo, và cần phải có hành động để điều chỉnh.”

Dân biểu John Sarbanes nói rằng: “Tôi cảm kích việc Ngoại trưởng xác nhận là bà cảm thấy hối tiếc.”

Hiện nay, các công ty bảo vệ tư nhân Hoa Kỳ ở Iraq không được quyền miễn truy tố từ cả chính phủ Iraq và quân đội Hoa Kỳ. Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một dự luật cho phép các tòa án được phép truy tố các công ty hợp đồng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG