Đường dẫn truy cập

Di sản để lại cho nước Nga của cựu tổng thống Yeltsin


Cựu Tổng Thống Nga Boris Yeltsin đã qua đời sau nhiều năm đau yếu, thọ 76 tuổi. Ông Yeltsin từng nắm giữ chức vụ Tổng Thống Nga từ năm 1990 cho đến khi ông bất ngờ từ chức vào ngày 31 tháng 12 năm 1999. Trong những năm tại chức, ông đã lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua một số thời điểm nhiều sóng gió nhất trong lịch sử cận đại.

Ngày 20 tháng 8 năm 1991, ông Boris Yeltsin đã nhảy lên một chiếc xe tăng của quân đội để nói chuyện với người dân Nga, và hành động của ông đã đi vào sử sách.

Giọng nói oang oang của vị Tổng Thống tân cử dường như đã khích động người dân Nga. Thái độ thách đố của ông Yeltsin trong ngày hôm đó đã giáng một đòn chí tử vào một mưu toan đảo chánh của những đảng viên Cộng sản cứng rắn nhằm chống nhà lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là ông Mikhail Gorbachev. Đây cũng là ngày đánh dấu sự bắt đầu cáo chung của Liên Bang Xô Viết.

Chỉ 4 tháng sau đó, ông Gorbachev từ chức, Liên Bang Xô Viết không còn nữa, và ông Boris Yeltsin đã xuất hiện như là một nhà lãnh đạo của một nước Nga mới.

Sự thăng tiến quyền lực của Boris Yeltsin đã bắt đầu bằng những sự kiện khiêm tốn.

Ông là con trai của một gia đình nông dân và ra đời trong một ngôi nhà nhỏ bé chỉ có 2 phòng tại một ngôi làng trong Rặng Núi Ural hoang vắng, gần thành phố Sverdlovsk, nay được gọi là Yekaterinburg. Tuy nhiên ông không bao giờ hoàn toàn mất sự giao tiếp rộng rãi với mọi người, và trên thực tế, ông luôn luôn ôm ấp cái hình ảnh trở thành một nhà lãnh đạo của dân chúng.

Khi leo lên được những nấc thang danh vọng trong đảng Cộng Sản, ông đã khước từ những đặc quyền dành cho cán bộ bằng cách chỉ di chuyển bằng những chuyến xe buýt đông người hay xe điện ngầm trong thành phố, thay vì ngồi trong những chiếc xe limousine sang trọng có tài xế lái.

Tuy nhiên chính những chuyện vẫn làm cho người dân ưa thích ông thường đặt ông vào vị thế bất hòa với giới lãnh đạo Xô Viết. Tháng 10 năm 1987 tại một phiên họp toàn thể của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Cộng Sản, ông đả kích ông Mikhail Gorbachev, một cố vấn dày kinh nghiệm của ông, về những cải cách chính trị và kinh tế tại Nga mà ông cho là nói thì nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu. Sự chỉ trích của ông đã không được hoan nghênh. Ông bị công khai khiển trách và bãi nhiệm khỏi chức vụ của ông trong đảng; vậy mà sau đó ông vẫn tìm được cách vươn lên trở lại.

Tháng 6 năm 1991, một làn sóng ủng hộ dân chủ đã giúp ông giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng Thống đầu tiên theo các thể thức phổ thông đầu phiếu tại Nga. Hai tháng sau đó, việc ông can đảm đứng trên pháo tháp của một xe tăng để kêu gọi dân chúng, đã biến ông thành một người hùng, một nhà đấu tranh cho những cải cách dân chủ.

Tuy nhiên trong những năm sau đó, cái cảm nghĩ của người dân Nga đối với nhân vật được gọi là Cha Già của Nền Dân Chủ Nga, đã thay đổi không ngừng giữa lòng sùng kính và sự thù ghét. Mặc dù cam kết sẽ tiến đến dân chủ nhưng ông Yeltsin vẫn duy trì những bản năng độc đoán của giới quan chức Cộng Sản củ vốn đã quen dùng vũ lực để đạt những mục tiêu của mình.

Năm 1993 Tổng Thống Yeltsin bãi bỏ hiến pháp và giải tán Quốc Hội của thời Xô Viết. Các nhà lập pháp thuộc thành phần cứng rắn và những người ủng hộ ông trước đây đã quay ra chống đối ông. Ông đã phản ứng bằng cách đưa xe tăng đến trụ sở Quốc Hội để đè bẹp cuộc nổi dậy.

Một năm sau, ông Yeltsin lại ban hành một lệnh có thể gây đổ máu.

Ông đã ra lệnh cho quân đội tiến vào khu vực ly khai Chechnya nhằm tìm cách đập tan phong trào đòi ly khai tại đây. Hơn 75 ngàn người, hầu hết là thường dân, đã bị thiệt mạng. Khi cuộc chiến này đi đến một kết thúc bi thảm và quân đội Nga phải triệt thoái ra khỏi khu vực này thì ông Yeltsin gọi đó là một sự thất vọng lớn nhất trong cuộc đời làm Tổng Thống của ông.

Sự thất bại tại Chechnya cùng với những thất bại trong lãnh vực kinh tế, dường như là dấu hiệu cho thấy rằng sự nghiệp chính trị của ông Boris Yeltsin có thể sẽ kết thúc. Tuy nhiên như đã từng làm nhiều lần trước đây, ông Yeltsin lại vùng lên đương đầu với những thách thức trong cuộc bầu cử Tổng Thống vào năm 1996, và ông đã đánh bại đối thủ Cộng Sản của ông với đa số phiếu khá cao.

Chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ông đã bị một cơn trụy tim, và sau đó trải qua một cuộc phẫu thuật tim khiến cho ông không thể đảm trách công vụ trong hơn 6 tháng. Sau đó ông hồi phục trong một thời gian ngắn, tuy nhiên những nhu cầu công vụ và tật nghiện rượu đã làm cho ông suy yếu trở lại. Các quan sát viên tin rằng sức khỏe càng ngày càng suy sụp của ông là lý do đã khiến cho ông có nhiều tâm tính bất thường trong cách ứng xử.

Khi sức khỏe của ông xuống dốc, thì những bản năng chính trị vốn có một thời rất sắc bén của ông, dường như đã không còn nữa . Ông đã thực hiện một loạt những vụ cải tổ chính phủ, và thay đổi các Thủ Tướng một cách đột ngột và không hợp lý. Khi nhiệm kỳ Tổng Thống của ông sắp kết thúc và trong lúc ông chẳng khác nào một nhà lãnh đạo không có thực quyền thì ông lại gây ngạc nhiên một lần chót cho nước Nga.

Một ngày trước khi bước sang năm mới 1999, và chỉ còn có 6 tháng nữa thì hết nhiệm kỳ Tổng Thống, ông Yeltsin đã loan báo từ chức và trao quyền Tổng Thống cho Thủ Tướng Vladimir Putin, một người do ông đích thân lựa chọn để kế vị ông.

Cái di sản của ông Boris Yeltsin, người mà có lúc đã được xem như là cha già của nền dân chủ Nga, đã bị hoen ố vì sự suy thoái về chính trị và sức khỏe của ông. Tuy nhiên khi ông rời khỏi chức vụ thì dư luận khắt khe đối với ông đã dần dần trở nên dịu bớt.

Thanh danh của ông có thể đã bị thương tổn đôi chút vì những hành động vụng về của ông trong vài năm qua, tuy nhiên điều mà người dân Nga vẫn còn nhớ mãi, có lẽ cái hình ảnh hiên ngang của ông đứng trên pháo tháp của một xe tăng để thách thức những người Cộng Sản, và giúp nước Nga vứt bỏ cái quá khứ Liên Xô của họ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG