Đường dẫn truy cập

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cầu siêu để hàn gắn vết thương chiến tranh


Trong tháng vừa qua, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã tiến hành một loạt các buổi lễ với mục đích hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam khi ông thực hiện chuyến về thăm quê hương lần thứ nhì sau hơn 40 năm sống lưu vong. Trong thập niên 1960, vị tu sĩ năm nay 80 tuổi này, là một trong các nhà lãnh đạo của phong trào “Phật giáo Tranh đấu”, chống đối cuộc chiến tranh và chính quyền miền Nam Việt Nam. Sau đó, ông đi sống lưu vong và ít người ở Việt Nam hiện nay còn nhớ đến những hoạt động phản chiến của ông. Tuy nhiên, nhiều người đang cảm thấy thích thú với những ý tưởng của Thiền Phái Tiếp Hiện hay “An trú trong hiện tại” mà ông đang rao giảng.

Thiền Sư Nhất Hạnh đã nổi tiếng từ thời chiến tranh Việt Nam và là một trong những nhân vật lãnh đạo của một phong trào Phật giáo từng tổ chức những cuộc biểu tình phản chiến rầm rộ ở Sài Gòn. Tuy nhiên, trong số hàng ngàn người tham dự buổi lễ ở chùa Vĩnh Nghiêm hôm thứ bảy vừa qua ít người biết đến những hoạt động của ông hồi thập niên 1960. Nhiều người, như ông Trang Trí Sơn, chào đời sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, và họ đã đến nghe ông thuyết giảng không phải vì vai trò của ông trong thời chiến mà vì danh tiếng mà ông có được ở Châu Âu và Hoa kỳ.

Sư ông Nhất Hạnh đã phải sống lưu vong, chủ yếu là ở Pháp, từ năm 1966 dưới áp lực của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vì những hoạt động phản chiến.

Phái Tiếp Hiện của ông đã thu hút rất nhiều tín đồ. Số tăng ni tu học tại Đạo Tràng Mai Thôn của ông ở Pháp lên đến hàng ngàn người. Ngoài ra, ông cũng lập các đạo tràng tại hai tiểu bang Vermont và tiểu bang California ở Mỹ.

Triết lý của ông xoay quanh điều mà ông gọi là “sự tỉnh thức”, tập trung vào những gì mình đang làm chứ đừng để bị chia trí bởi những việc đã qua hoặc những gì chưa đến.

Thượng tọa Thích Pháp Lộ, người Thụy điển, là một trong số mấy mươi người Tây Phương trong đoàn Tăng Thân Làng Mai cùng đi với Thiền Sư Nhất hạnh đến Việt Nam. Ông giải thích thêm như sau:

Chúng tôi ra sức tìm kiếm những cách thức để ứng dụng những lời dạy dỗ của Đức Phật và của vị thầy của chúng tôi để chúng tôi có thể sống hạnh phúc hơn và an bình hơn. Bất luận là chúng tôi đang làm việc như một nhà điều trị tâm lý hay một nhân viên làm việc văn phòng, chúng tôi muốn có một cuộc sống đơn giản hơn, chăm sóc kỹ lưỡng hơn cho trái đất và cho những người chung quanh.

Triết lý của Thiền sư Nhất Hạnh khá phù hợp với nhu cầu tâm linh của những người Tây phương vốn có cuộc sống bận rộn. Và vì nhịp sống ở Việt Nam ngày nay cũng đã trở nên hối hả hơn trong lúc xã hội chuyển hướng đi theo con đường tư bản, triết lý này cũng trở nên hấp dẫn đối với những chuyên gia và doanh nhân có nhiều tham vọng.

Nhiều trăm người đã đến một câu lạc bộ gần thành phố HCM để nghe thiền sư Nhật Hạnh thuyết giảng. Bà Châu Zesiger, một doanh gia người Việt lập gia đình với một người Mỹ, nói rằng bà thấy triết lý của thiền sư Nhất Hạnh lý thú hơn so với những lời thuyết giảng của đạo Phật truyền thống ở Việt Nam.

Triết lý của đạo Phật thường là tiêu cực, bởi vì đời là bể khổ. Tuy nhiên, đối với thiền sư Nhất Hạnh thì cuộc sống có ý nghĩa tích cực. Chúng ta hít thở, chúng ta cười, và đó là tên của chương trình này. Và thật thú vị khi có thể áp dụng triết lý này vào đời sống làm việc của chúng ta.

Đây là lần thứ nhì thiền sư Nhật Hạnh về thăm Việt Nam. Lần đầu tiên, ông về nước năm 2005, 39 năm sau khi ông phải sống lưu vong vì các hoạt động phản chiến.

Năm 1965 ông lập trường Thanh Niên Phụng sự xã hội tại Saigon. Vào thời đó, miền Nam Việt Nam không những phải tiến hành cuộc chiến chống cộng sản mà còn bị chia rẽ vì sự xung đột giữa một chính phủ phần đông là người công giáo và phong trào Phật giáo mà thiền sư Nhất Hạnh tham gia.

Phong trào này chống đối chiến tranh, và một vài nhà sư đã tự thiêu để bày tỏ sự phản kháng. Thiền sư Nhất Hạnh muốn lập một lực lượng thứ ba, ôn hòa, để huấn luyện Phật tử trong lãnh vực nông nghiệp và y học, và đưa họ tới những làng mạc nghèo khó để thực hiện các dự án phát triển. Hành động này gây nhiều nguy hiểm. Ông Trần Đình Nguyên, 68 tuổi, từng đi tu và là một học viên tại trường của thiền sư Nhất Hạnh.

Ông Nguyên nói rằng vào tháng 5 năm 1967, có người ném một quả lựu đạn vào một trong các lớp học tại trường này khiến hai nữ sinh bị thiệt mạng. Hai tuần sau đó 8 học sinh ở một ngôi làng bị biệt tích và người ta không tìm thấy tông tích của họ ở đâu nữa. Vào tháng 7, 5 sinh viên bị bắt cóc và bắn chết.

Khi những vụ tấn công này xảy ra thiền sư Nhất Hạnh đã sống lưu vong. Năm 1966 ông sang Hoa Kỳ để liên lạc với phong trào phản chiến ở Mỹ và thuyết phục mục sư Martin Luther King, lãnh tụ dân quyền Hoa kỳ, công khai lên tiếng chống chiến tranh.

Vì thế chính phủ Sài Gòn cấm không cho ông trở về nước, và sau khi miền Bắc đánh bại miền Nam năm 1975, chính phủ cộng sản tiếp tục thi hành lịnh cấm này.

Thiền sư Nhất Hạnh ở lại phương Tây và đào tạo nhiều thiền sư và đệ tử trung thành. Những người Việt cao niên đã đến nghe thiền sư Nhất Hạnh thuyết giảng và tham dự các buổi lễ cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh. Tại chùa Vĩnh Nghiêm hôm thứ bảy. bà Vũ Thị quý, 75 tuổi nói rằng: Nỗi đau khổ chua cay vẫn còn.

Bà Quý nói rằng cũng như những người Việt khác, bà không nhớ gì về phong trào Phật giáo trong thập niên 1960. Tuy nhiên những ký ức khác mà nhiều nguời cùng chia xẻ vẫn chưa biến mất. Khi thiền sư Nhất Hạnh cùng các tăng ni khác bắt đầu tụng kinh hồi cuối tuần trước, hàng ngàn phật tử cũng tụng theo vì họ còn nhớ những lời kinh quen thuộc này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG