Đường dẫn truy cập

Mỹ vẫn quan ngại về thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên


Ðặc sứ Hoa kỳ đặc trách nhân quyền tại Bắc Triều Tiên kêu gọi Hoa kỳ chú trọng nhiều hơn đến thành tích nhân quyền của nước đó. Đây là một vấn đề không nằm trong phạm vi các cuộc hội đàm 6 bên về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Theo thỏa thuận hôm 13 tháng 2 vừa qua về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, một trong các nhóm công tác được thành lập sẽ tập chú vào việc dần dà bình thường hóa quan hệ giữa Hoa kỳ và Bắc Triều Tiên.

Khi ra điều trần trước một tiểu ban ngoại giao hạ viện hôm qua, đặc sứ Jay Lefkowitz nói rằng có những trở ngại trên đường đi tới bình thường hóa. Ông nói rằng Washington lo ngại về điều mà ông gọi là thành tích nhân quyền tồi tệ của Bình Nhưỡng.

Nếu chính phủ Bắc Triều Tiên muốn được cộng đồng quốc tế,và nhất là Hoa kỳ,coi như là một chính phủ hợp pháp thì họ sẽ phải cải thiện tình trạng nhân quyền của họ. Chúng tôi tin rằng một cuộc thảo uận về nhân quyền nên diễn ra trước khi có quan hệ bình thường đầy đủ.

Ông Lefkowitz nói rằng Bình Nhưỡng đã không có hành động cụ thể nào để cải thiện nhân quyền trong nước kể từ khi ông ra điều trần trước quốc hội hồi tháng 4 năm ngoái. Ông gọi Bắc Triều Tiên là một trong những nước vi phạm nhân quyền nhiều nhất trên thế giới, và ông tố cáo Bình Nhưỡng là bỏ qua quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do báo chí, quyền được xét xử công bằng và tự do di cư cho 23 triệu người dân của họ.

Ông nói rằng ông lo ngại về nạn chết đói hàng loạt. Ông nêu lên cuộc khủng hoảng lương thực trong nước trong thập niên 1990, và nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên có thể lại bị thiếu ăn trầm trọng trong những tháng sắp tới. Ông nói thêm rằng các nước cấp viện sẵn sàng trợ giúp, nhưng muốn biết rằng viện trợ nhân đạo của họ sẽ thực sự mang lại lợi ích cho dân chúng Bắc Triều Tiên.

Nhưng cũng như viện trợ nhân đạo tại bất cứ nơi nào trên thế giới, chúng ta phải nhất quyết đòi phải có các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu trong việc theo dõi và phân phối để đoan chắc rằng viện trợ này tới tay những người cần đến nó. Chúng tôi nghi rằng Bắc Triều Tiên chuyển viện trợ của nước ngoài cho quân đội và giới thượng lưu của họ và dùng để bán chợ đen.

Đạo luật nhân quyền Bắc Triều Tiên, mà quốc hội Hoa kỳ thông qua năm 2004, cho phép Washington dành quyền tỵ nạn chính trị cùng nhiều trợ giúp khác cho người tỵ nạn Bắc Triều Tiên. Ông Lefkowitz nhấn mạnh rằng Washington không áp đặt một giới hạn lên số người Bắc Triều Tiên mà Hoa kỳ sẵn sàng thu nhận để tái định cư, nhưng ông công nhận rằng con số này rất nhỏ.

Ông phúc trình rằng tổng cộng chỉ có 18 người Bắc Triều Tiên tỵ nạn tại Hoa kỳ. Buổi điều trần của ông trước quốc hội trùng hợp với một bản tin của hãng thông tấn Associated Press nói rằng một nhóm 12 người Bắc Triều Tiên đã đến Hoa Kỳ trong tuần này, nâng tổng số người tỵ nạn lên tới 30 người.

Trong khi đó, ông Lefkowitz nêu lên rằng tổng thống Bush đã yêu cầu có 2 triệu đô la trong ngân sách của ông cho tài khóa 2008 dành riêng cho việc thăng tiến nhân quyền tại Bắc Triều Tiên. Ông nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ cũng yêu cầu có 8 triệu đôla để tăng số giờ phát thanh bằng tiếng Triều Tiên của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA và đài Á Châu tự do.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG