Đường dẫn truy cập

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả thất vọng về tình hình tự do báo chí tại Châu Á


Một tổ chức Mỹ bảo vệ quyền của giới truyền thông nói rằng tại Châu Á vấn đề kiểm duyệt, hạn chế thông tin và đe dọa nhà báo vẫn gây nhiều lo ngại.

Trong bản phúc trình hàng năm, được phổ biến tại Hồng Kông hôm nay, Ủy ban bảo vệ ký giả nói rằng tự do truyền thông tại Châu Á đã suy đồi trong năm ngoái. Ông Bob Dietz, phối hợp viên của ủy ban bảo vệ ký giả tại Châu Á nói rằng tình hình tại Đông Nam Á thật đáng thất vọng.

Trong một khu vực có một đà tăng trưởng kinh tế phi thường, giới truyền thông đã không theo kịp. Giá trị của truyền thông, tính cách khả tín của truyền thông và tự do truyền thông đã bị tấn công liên tục. Chúng tôi cho rằng sự thụt lùi lớn nhất trong năm nay là ở Thái lan, nơi mà chính phủ đã thay đổi sau một cuộc đảo chính của quân đội và bắt đầu tức khắc gây áp lực lên các nhà báo Thái lan, tuy rằng chính phủ vẫn chưa hạn chế quyền tự do truyền thông.

Theo Ủy ban bảo vệ ký giả, trụ sở đặt tại New York, thì Bắc Triều Tiên và Miến Điện đứng đầu trong danh sách của ủy ban liệt kê 10 nước tệ hại nhất trên thế giới. Philipin và Afghanistan có số nhà báo đông nhất bị thiệt mạng trong khi công tác trong khu vực. Mỗi nước có 3 nhà báo bị giết torng năm 2006, và hai nước này chỉ đứng sau Iraq, nơi mà 32 nhà baó đã bị giết trong năm ngoái.

Tại Pakistan, có ít ra là 8 nhà báo đã thiệt mạng kể từ năm 2002.

Tại Trung Quốc, các nhà báo bị ít nguy hiểm đến tính mạng hơn nhưng gặp phải sự kiểm duyệt gắt gao hơn. Ủy ban bảo vệ ký giả nói rằng 31 nhà báo Trung Quốc đã bị giam tại Trung Quốc trong năm ngoái, đông hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Tuy nhiên, bà Trần Uyển Oánh, giáo sư báo chí tại viện đại học Hồng Kông nói rằng tình hình truyền thông tại Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Công nghiệp nầy đang chuyển đổi từ một công nghiệp quốc doanh sang một hệ thống dựa vào thị trường, và hơn 130 triệu người trong nước sử dụng mạng Internet.

Có quá nhiều khía cạnh tương phản nhau cùng một lúc. Có kiểm duyệt và kiểm soát, nhưng cũng có hỗn loạn. Có nhiều dấu hiệu lẫn lộn. Điều đã khiến phạm vi truyền thông được mở rộng là mạng Internet. Tại khắp nơi trong nước dân chúng có thể lên tiếng trên các diễn đàn trong không gian ảo. Khi một bài báo bị cấm thì tác giả bài báo nhanh chóng đưa bài đó lên mạng.

Ông Dietz nói rằng tại khắp Châu Á mạng Internet đã trở thành một mối đe dọa đối với chính phủ. Ông nói rằng các chính phủ đã học trong mấy năm qua cách làm thế nào để đối phó với những buổi phát thanh và báo chí, nhưng Internet là một lãnh vực thách thức mới. Ông nói rằng chẳng hạn như tại Trung Quốc, các nhà lãnh đạo nhận thấy rằng càng ngày càng khó dùng biện pháp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn truyền thông.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG