Đường dẫn truy cập

Phản ứng trước việc dự luật PNTR thất bại ở Hạ viện Mỹ


Liên quan tới vấn đề PNTR, trưởng ban Việt Ngữ Michael Mathes gởi về bài tường thuật sau đây từ Hà Nội, nói về một số phản ứng trước việc dự luật này gặp thất bại ở Hạ viện Mỹ hôm thứ hai:

Vài giờ sau khi có tin là dự luật PNTR không được Hạ viện thông qua, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Susan Schwab đã lên tiếng tại Hà Nội để tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ cho thỏa thuận thương mại này:

Chính phủ của tổng thống Bush cùng với giới lãnh đạo quốc hội, cả phe Cộng hòa lẫn phe Dân chủ, có quyết tâm rõ rệt là thực thi quan hệ mậu dịch bình thường với Việt Nam khi Việt Nam gia nhập WTO. Chúng tôi tin chắc là luật về quan hệ thương mại bình thường sẽ được ban hành ở Hoa Kỳ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ để việc này diễn ra trước khi Việt Nam gia nhập WTO.

Phát biểu bên lề hội nghị APEC tại Hà Nội, bà Schwab nói rằng việc chấp thuận dự luật PNTR là cần thiết để các doanh nghiệp Mỹ hưởng được toàn bộ những lợi ích phát sinh từ việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO, dự kiến diễn ra vào hạ tuần tháng 12 năm nay. Bà nhấn mạnh rằng những vấn đề về mặt thủ tục đã khiến dự luật gặp thất bại và mọi người không nên nghĩ rằng đây là sự chống đối của quốc hội Mỹ đối với các hiệp định thương mại với Việt Nam.

Mặc dầu vậy, thời điểm của sự việc này đã gây ra lúng túng và ngạc nhiên cho nhiều người. Trong tuần qua, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã chuẩn bị để ăn mừng PNTR tại một cuộc hội họp vào ngày thứ năm tuần này. Họ cứ tưởng là tổng thống Bush sẽ tới Hà Nội với món quà PNTR để đánh dấu một điểm cao trong quan hệ thương mại giữa hai nước cựu thù trong thời chiến tranh Việt Nam.

Giới hữu trách ở Hà Nội đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của việc PNTR gặp trễ nãi ở quốc hội Mỹ. Phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với đài VOA như sau:

Tôi nghĩ rằng giữa hai nước có hiệp định thương mại song phương ,tuy nhiên cho đến bây giờ thì phía Hoa Kỳ hàng năm vẫn dành qui chế quan hệ bình thường cho Việt Nam, tôi nghĩ rằng là cái đó sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu dành qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam thì có lẽ người được hưởng lợi nhiều nhất trong việc đó là các nhà kinh doanh của Hoa Kỳ.

Trước đó trong ngày thứ tư, bà Susan Schwab đã họp với các vị bộ trưởng kinh tế của khối APEC và Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy. Các giới chức này cho biết họ sẽ ra sức làm việc để tìm cách hồi sinh vòng đàm phán thương mại toàn cầu đang gặp bế tắc. Vòng đàm phán Doha đã gặp trở ngại vì những vụ tranh chấp liên quan tới vấn đề trợ cấp nông nghiệp và rào cản mậu dịch. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, bà Susan Schwab nói rằng Washington đã chuẩn bị sẵn sàng để giúp mở lại vòng đàm phán này:

Phía Hoa Kỳ chưa bao giờ theo đuổi một lập trường đàm phán là cứ đưa ra một đề nghị rồi nói rằng vấn đề duy nhất là chấp thuận hay không chấp thuận. Chúng tôi vẫn tiếp tục tin rằng không thể có tự do thương mại hoàn toàn cho tới khi nào có những đề nghị cụ thể và có thực chất về tiếp cận thị trường trong các lãnh vực nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ được đưa ra để thương thảo. Nếu không được như thế, chúng ta không thể có được sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nỗ lực giảm nghèo – một mục tiêu cốt lõi của vòng đàm phán Doha cho công cuộc phát triển, sẽ tiếp tục gặp trở ngại.

Các vị bộ trưởng kinh tế của APEC sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề thương mại vào ngày thứ năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG