Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên tăng cường khả năng quân sự


Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết giờ đây khi Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm vũ khí nguyên tử, nước ông sẽ tăng cường khả năng quân sự của mình. Bắc Triều Tiên cũng đang đe dọa sẽ thực hiện những hành động cứng rắn để phản đối áp lực từ Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Yoon Kwang-ung thông báo với các nhà lập pháp ở Hán Thành rằng đất nước sẽ tăng cường khả năng đáp trả những đe dọa hạt nhân tiềm tàng từ Bắc Triều Tiên.

Ông nói, nếu Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, miền Nam sẽ “tăng cường và triển khai” lực lượng quân đội truyền thống, nhưng sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.

Năm 1991, Nam Triều Tiên đã ký một bản thỏa thuận với Bắc Triều Tiên nhằm đảm bảo rằng bán đảo này không có vũ khí hạt nhân. Hán Thành nói rằng Bình Nhưỡng đã vi phạm thỏa thuận này với tuyên bố thử nghiệm vũ khí hạt nhân của mình. Các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác nhận xem liệu vụ nổ dưới lòng đất ở Bắc Triều Tiên hôm thứ hai có thực sự là vụ nổ của một cơ cụ hạt nhân hay không.

Nam Triều Tiên hiện có khoảng 650 nghìn quân, trong khi Hoa Kỳ triển khai khoảng 28 nghìn quân tại đây nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên không lặp lại các cuộc xâm lược miền Nam mà nước này đã thực hiện hồi năm 1950.

Bình Nhưởng nói rằng họ cần có vũ khí hạt nhân để đối phó với các hành động thù nghịch của Hoa Kỳ. Washington cho biết họ không có ý định tấn công miền Bắc, và đã hợp tác với các đối tác khu vực nhằm đem lại các lợi ích kinh tế và ngoại giao cho nước này nếu Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Hiện nay, Hoa Kỳ đang hợp tác cùng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm thông qua một nghị quyết trừng phạt về kinh tế đối với Bắc Triều Tiên.

Trong lúc này, Thông tấn xã Trung ương Bắc Triều Tiên cảnh báo rằng nước này coi những biện pháp trừng phạt này là một tuyên bố chiến tranh.

Bắc Triều Tiên nói họ sẽ đáp trả những áp lực từ Hoa Kỳ bằng các “biện pháp bạo lực” tuy nhiên họ không nói rõ những biện pháp này là gì. Bắc Triều Tiên cũng đang chuẩn bị “cả đối thoại lẫn đối đầu” để giải quyết cuộc khủng hoảng về chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Nhật Bản đang chuẩn bị các biện pháp riêng để trừng phạt Bắc Triều Tiên. Hôm nay, thứ Tư, giới truyền thông Nhật Bản thông báo rằng Nhật Bản cấm tất cả các tàu thuyền của Bắc Triều Tiên không được cập vào các hải cảng Nhật Bản, đình chỉ các hoạt động thương mại giữa hai nước và các khoản lưu thông tiền tệ giữa kiều dân Triều Tiên ở Nhật Bản tới đất nước cộng sản nghèo khó.

Vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã mở ra một cuộc tranh cãi ở Nam Triều Tiên nhằm tìm ra nguyên nhân và cách thức khắc phục sự cố này. Ngày hôm nay, thứ Tư, những lời lẽ mạnh mẽ đã khiến cho các nhà lập pháp không thể không tán thành các ngôn từ trong bản nghị quyết lên án hành động của Bình Nhưỡng.

Các nhà lập pháp đối lập đã đổ lỗi cho Tổng thống Roh Moo-hyun vì đã quá bao dung đối với miền Bắc. Hán Thành đã đổ hàng tỉ đô la vào miền Bắc nghèo khó với hy vọng đảm bảo rằng nước làng giềng sẽ sống trong hòa bình và phi hạt nhân.

Ngày hôm nay, thứ Tư, kiến trúc sư của chính sách “ánh nắng mặt trời” về quan hệ với Bình Nhưỡng, cựu Tổng thống Nam Triều Tiên Kim Dae-Jung nói với các sinh viên rằng vẫn còn hy vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Ông nói Bắc Triều Tiên phải giải trừ vũ khí hạt nhân, và ông kêu gọi Hoa Kỳ đàm phán song phương với Bình Nhưỡng.

Washington luôn giữ lập trường rằng bất kỳ một cuộc đối thoại nào với Bình Nhưỡng cũng phải nằm trong khuôn khổ đối thoại đa phương với mục đích phi hạt nhân hóa miền Bắc. Những cuộc đối thoại này cũng có sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Nam Triều Tiên.

Có các dấu hiệu cho thấy Nam Triều Tiên đang chuyển sang một chính sách cứng rắn hơn với miền Bắc. Tổng thống Roh nói rằng chính sách quan hệ với Bắc Triều Tiên cần phải thay đổi sau vụ thử nghiệm hạt nhân này. Và trong ít nhất là một cuộc thăm dò dư luận trên báo chí Nam Triều Tiên, đại đa số người tham gia cho rằng Nam Triều Tiên cũng cần thụ đắc vũ khí hạt nhân cho riêng mình để chống lại Bình Nhưỡng.

Sáng sớm hôm nay, thứ Tư, truyền thông Nhật Bản cho hay có dấu hiệu về một vụ thử hạt nhân thứ hai của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ và Nhật Bản cho rằng không có biểu hiện của một vụ thử nghiệm mới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG