Đường dẫn truy cập

Tiểu sử của  Đại Tướng Thái Lan, Sondhi Boonyaratglin


Đại Tướng Sondhi Boonyaratglin, người cầm đầu cuộc đảo chánh của quân đội tại Thái Lan trong tuần này, đã được bổ nhiệm làm tư lệnh quân đội Thái trong năm ngoái bởi một nhân vật mà ông vừa lật đổ trong cuộc đảo chánh này, đó là Thủ Tướng Thaksin Shinawatra. Tướng Sondhi không phải là người trong nhóm đầy quyền lực của ông Thaksin nhưng người ta tin rằng viên tướng này đã được sự hậu thuẫn của Quốc Vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, nhân vật đã che chở cho tướng Sondhi trong cuộc đảo chánh. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Nacy Amelia Collins từ Bangkok có bài tường trình chi tiết sau đây:

Năm ngoái, Đại Tướng Sondhi Boonyaratglin đã công khai tuyên bố rằng quân đội không có bất cứ tham vọng chính trị nào, và cũng theo lời ông thì những cuộc đảo chánh của quân đội thường hay xảy ra tại Thái Lan là điều bất hạnh cho đất nước.

Tuy nhiên, khi những cáo buộc về tham nhũng và lạm dụng quyền thế làm cho chính quyền của Thủ Tướng Thaksin Shinawat bị tê liệt và dẫn đến tình trạng bế tắc chính trị, thì tướng Sondhi đã nói với một tờ báo rằng cuộc khủng hoảng này đã khiến cho Quốc Vương Bhumibol Adulyadej lo ngại.

Tin tức trích dẫn lời tướng Sondhi nói rằng “Là một người lính của Nhà Vua, tôi muốn giải tỏa những lo ngại của Ngài”.

Ôâng Panitan Wattanayagorn, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại Học Chulalongkorn ở Bangkok, nói rằng thành tích trong sạch và thái độ khiêm tốn của tướng Sondhi có thể sẽ giúp ông tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng đối với vụ lật đổ ông Thaksin:

Dĩ nhiên với thanh danh trong sáng, thái độ khiêm tốn, cách ăn nói nhỏ nhẹ, dường như ông ấy đã gây được sự tin cậy của người dân tại Thái Lan.

Tướng Sondhi đã bày tỏ lòng tôn kính đối với Nhà Vua, và sự hậu thuẫn rõ ràng của Nhà vua dành cho hành động của tướng Sondhi cũng là điều hữu ích.

Trong ngày đảo chánh, tướng Sondhi và các tướng lãnh trong nhóm của ông đã được Nhà Vua tiếp kiến. Tại Thái Lan, Quốc Vương Bhumibol Adulyadej là người rất được nhân dân sùng kính.

Sau đó, một bản tuyên bố của quốc vương đã được tuyên đọc trên truyền hình, nói rằng dân chúng nên giữ thái độ bình tĩnh, và các viên chức chính phủ nên nghe theo lệnh của tướng Sondhi.

Không giống như những người cầm đầu các cuộc đảo chánh trước đây, tướng Sondhi đã cho thấy ông không có tham vọng chính trị. Hôm thứ Tư, ông tuyên bố trên đài truyền hình rằng ông sẽ đảm nhận công việc lãnh đạo chính phủ chỉ trong 2 tuần lễ tới đây cho đến khi có thể tìm được một người thuộc thành phần dân sự lên đảm nhận chức vụ Thủ Tướng. Cũng theo lời tướng Sondhi thì những cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào tháng 11, năm 2007.

Giáo sư Panitan nghĩ rằng việc tướng Sondhi không có tham vọng chính trị cũng sẽ giúp ông tranh thủ được sự tin cậy của dân chúng:

Ít nhất là trong quá khứ, ông đã không vi phạm các nguyên tắc dân chủ, và ông cũng đã không muốn nắm quyền cai trị hoặc tiếp thu vai trò lãnh đạo chính trị trong quá khứ. Sự kiện này rốt cuộc, sẽ có thể giúp ông đưa Thái Lan trở lại đi theo đúng hướng.

Ông Sondhi, một người Hồi Giáo trong một nước mà hầu hết dân chúng đều là Phật Giáo, đã được bổ nhiệm làm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Thái Lan trong năm ngoái. Những vụ bạo động của các phần tử Hồi Giáo nổi dậy tại miền Nam Thái Lan đã gây thiệt mạng cho hơn một ngàn 400 người trong 3 năm qua, và việc bổ nhiệm tướng Sondhi vào chức vụ này đã được xem như là một nỗ lực của ông Thaksin nhằm làm hài lòng dân chúng tại miền Nam Thái Lan.

Tuy nhiên ông Sondhi, 59 tuổi, đã lên nắm giữ chức vụ này bằng một thành tích quân sự xuất sắc. Ông tốt nghiệp Trường Võ Bị Hoàng Gia Chulachomklao tại Thái Lan vào năm 1969, và là người đã được ân thưởng nhiều huy chương trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là người đã cầm đầu các đơn vị tinh nhuệ trong quân đội, trong đó có Bộ Chỉ Huy Chiến Tranh Đặc Biệt của Thái Lan.

Sau khi ông Sondhi được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tư Lệnh Quân Đội, có nhiều tin tức nói rằng đã có những bất đồng giữa tướng Sondhi và ông Thaksin về phương cách giải quyết tình hình tại miền Nam Thái Lan. Ông Thaksin đã bị lên án là đã sử dụng các chiến thuật quá nặng tay để dập tắt bạo động, và chính sách này đã làm cho tình hình càng ngày càng thêm tồi tệ.

Hôm thứ Năm, báo chí trích dẫn lời của một số người Hồi Giáo ở miền Nam Thái Lan nói rằng với sự ra đi của ông Thaksin, họ nghĩ rằng Tướng Sondhi có thể sẽ mở đường cho việc chấm dứt tình trạng bạo động tại miền Nam.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG