Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới’ của đập thủy điện trên sông Mekong


Đập Đại Triều Sơn tại Đại Triều Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đập Đại Triều Sơn tại Đại Triều Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/5 cho biết rằng Việt Nam “rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới” của các đập thủy điện trên sông Mekong.

Khi được hỏi trong cuộc họp báo thường kỳ về ý kiến của một số chuyên gia rằng nhiều đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây ra nguy cơ cạn kiệt dòng chảy và làm giảm lượng trầm tích chảy đến vùng hạ nguồn, khiến tình trạng hạn mặn và sạt lở tại đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trầm trọng, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt nói rằng Việt Nam “là quốc gia hạ nguồn” nên Việt Nam “rất quan tâm đến tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng Mekong”, theo VnExpress.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao còn được trích lời nói rằng việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong “cần bảo đảm không gây tác động tiêu cực, bao gồm tác động xuyên biên giới đến môi trường và phát triển kinh tế, đời sống xã hội của các nước trên lưu vực, nhất là những quốc gia hạ nguồn, và phải phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế”.

"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực", ông Việt nói, theo VnExpress.

Như VOA tiếng Việt đã đã đưa tin, sông Mekong, vốn xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng chảy qua nhiều nước như Trung Quốc và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông, gần đây trở thành một nguồn gây căng thẳng trong khu vực do những lo ngại về số lượng các dự án thủy điện ngày càng tăng đang làm thay đổi dòng chảy của sông, đe dọa hệ sinh thái và kế sinh nhai của người dân ở hạ nguồn.

Theo AP, Trung Quốc đã xây 10 con đập ở thượng lưu sông Mekong, dọc theo một đoạn sông dài trên lãnh thổ Trung Quốc mà họ gọi là Lan Thương.

VOA năm ngoái đăng một bài viết có tựa đề “Đập Trung Quốc trên sông Mekong làm tồi tệ kinh tế Đông Nam Á giữa mùa hạn”.

Bài báo này viết rằng khi hạn hán xảy ra, các con đập của Trung Quốc chặn dòng sông “càng làm trầm trọng thêm tình trạng ở hạ lưu, tạo ra tình trạng mất an ninh lương thực cho gần 60 triệu người ở các quốc gia như Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, vốn dựa vào dòng sông này để sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG