Đường dẫn truy cập

Indonesia phát hiện nhiều tàu cá Việt Nam ở biển Bắc Natuna sau hiệp định về EEZ


Indonesia phá hủy tàu cá Việt Nam và Malaysia vì lý do đánh bắt trái phép ở Batam, quần đảo Riau, vào ngày 5/4/2016.
Indonesia phá hủy tàu cá Việt Nam và Malaysia vì lý do đánh bắt trái phép ở Batam, quần đảo Riau, vào ngày 5/4/2016.

Các tàu Việt Nam đã bị phát hiện tiến hành đánh bắt trái phép ở vùng biển Bắc Natuna bất chấp vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) đã được phân định với Indonesia, truyền thông Indonesia dẫn thông tin từ một viện nghiên cứu hàng hải của nước này cho biết hôm 17/4.

Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia thành viên của ASEAN, sau 12 năm đàm phán đã đồng ý về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của hai bên vào tháng 12 năm 2022.

Tờ Jakarta Globe của Indonesia nói “lẽ ra hiệp định phải làm giảm sự hiện diện của tàu Việt Nam trong vùng biển tranh chấp nhưng một báo cáo gần đây do tổ chức tư vấn Sáng kiến Công lý Đại dương Indonesia (IOJI) công bố đã cho thấy điều ngược lại”.

Tờ báo dẫn báo cáo mới đây của IOJI cho thấy có 81 tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực tranh chấp ở biển Bắc Natuna vào tháng Giêng. Số lượng tàu của Việt Nam tăng lên 155 vào tháng Hai. Cơ quan này cho biết trước khi có thỏa thuận có hơn 100 tàu đánh cá Việt Nam bị Indonesia phát hiện trong vùng biển tranh chấp mỗi tháng.

Cho tới nay, cả hai chính phủ hiện vẫn chưa công bố công khai tọa độ chính xác của các đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Theo dự đoán của IOJI, các biên giới vùng đặc quyền kinh tế mới được thống nhất có thể sẽ nằm ở phía bắc của đường thềm lục địa Indonesia-Việt Nam dựa trên cách tiếp cận ba giai đoạn phổ quát về phân định biển.

“Các tàu cá Việt Nam này hoạt động sát biên giới thềm lục địa mà chúng tôi dự đoán là biên giới vùng đặc quyền kinh tế mới được thống nhất. Vì vậy, họ đã vi phạm chủ quyền của Indonesia vì đó là vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi. Và trớ trêu thay, điều này lại xảy ra sau thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế”, Jakarta Globe dẫn lời cố vấn cấp cao của IOJI, Andreas Aditya Salim, nói trong một cuộc họp báo trực tuyến vào thứ Hai.

“Vì vậy, không có nhiều thay đổi kể từ khi hai nước phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế”, vẫn theo lời ông Andreas.

Dữ liệu của IOJI cũng cho thấy ít nhất 8 tàu Kiểm ngư Việt Nam bị phát hiện đi qua lại dọc ranh giới thềm lục địa Indonesia-Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 1/12/2022 đến ngày 9/2/2023.

Tờ báo dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết hiện thỏa thuận EEZ giữa Indonesia và Việt Nam vẫn chưa có hiệu lực.

Nhà ngoại giao Indonesia Ahmad Almaududy Amri nói với báo chí nước này rằng “vẫn còn các quy trình ủy quyền trong các cơ quan kỹ thuật, ở cấp quốc hội, v.v...”

Việt Nam và Indonesia nhiều năm qua vướng vào tranh chấp về các yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông.

Các cơ quan công luật của hai nước đã xảy ra nhiều xung đột liên quan đến các hoạt động của ngư dân Việt Nam trong khu vực. Indonesia đã bắt giữ và phá hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và đánh bắt trái phép.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG