Đường dẫn truy cập

Indonesia và Việt Nam kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22/12/2022. Photo Twitter Indonesian Embassy in Hanoi @IndonesiaHanoi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 22/12/2022. Photo Twitter Indonesian Embassy in Hanoi @IndonesiaHanoi.

Indonesia và Việt Nam vừa kết thúc đàm phán phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của hai nước trên Biển Đông sau hơn một thập niên xảy ra tranh chấp, truyền thông hai nước loan tin.

“Sau 12 năm đàm phán tích cực, Indonesia và Việt Nam cuối cùng đã kết thúc đàm phán về ranh giới vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa hai nước dựa trên Công ước của LHQ về luật Biển UNCLOS 1982,” Văn phòng của Tổng thống Indonesia Joko Jokowi Widodo cho biết trong một tuyên bố chính thức sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Dinh tổng thống Bogor hôm 22/12.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc hoàn tất đàm phán về đường ranh giới EEZ của Indonesia-Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho người dân hai nước. Ông cũng bày tỏ ủng hộ vai trò Chủ tịch ASEAN của Indonesia vào năm tới và lập trường của ASEAN coi Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và ủng hộ tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Chủ tịch Phúc hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia từ ngày 21-23/12.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng trải dài 200 hải lý tính từ bờ biển của một quốc gia công nhận quốc gia đó có quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng này. Vùng EEZ được quy định trong Công ước UNCLOS 1982.

Bộ Ngoại giao Indonesia trước đây ghi nhận rằng có sự chồng chéo về quyền tài phán ở một số khu vực giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền bao gồm Brunei Darussalam, Philippines, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Trung Quốc, điều này đã gây ra khả năng xung đột cao.

Từ trước đến nay, Việt Nam và Indonesia đã vướng vào tranh chấp chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông trong nhiều năm.

Các cơ quan thực thi pháp luật của hai nước xung đột về các hoạt động của ngư dân Việt Nam trong khu vực, với việc Indonesia bắt giữ và tiêu hủy hàng chục tàu thuyền Việt Nam bị cáo buộc xâm phạm trái phép và đánh bắt trái phép. Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia trấn áp các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trong khu vực mà Jakarta tuyên bố chủ quyền xung quanh quần đảo Natuna.

Từ năm 2010 đến nay, hai nước đã có hàng chục vòng đàm phán liên quan các tuyên bố về EEZ chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Đông, truyền thông Việt Nam loan tin.

Trước đó, “Cuộc họp kỹ thuật lần thứ 15 về việc xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia-Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam vào ngày 26–27 tháng 9/2022, theo Thông Tấn Xã Indonesia Antara.

Indonesia lại đánh chìm tàu cá Việt Nam
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:01 0:00

Các chuyên gia về luật biển quốc tế và an ninh khu vực khen ngợi động thái này của Jakarta và Hà Nội.

Ông Derek Grossman thuộc công ty RAND Corporation của Hoa Kỳ hôm 23/12 viết trên Twitter rằng đây là “một tin tốt lành”.

Ông Dejun Liu nhà điều hành trang mạng Free in China ở Bắc Kinh nhận định rằng việc phân định này là một động thái được các nhà phân tích khu vực khen ngợi nhưng “có khả năng khiến Trung Quốc khó chịu”.

Tại cuộc họp báo hôm 22/12, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Cũng trong dịp này, cả hai nước đã đồng ý với mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương hàng năm lên 15 tỷ USD trước năm 2028.

Indonesia cũng đặt mục tiêu xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Việt Nam bắt đầu từ năm 2026 từ mỏ ngoài khơi Tuna nằm gần biên giới biển Indonesia và Việt Nam, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia cho Reuters biết hôm 23/12.

Bộ trưởng năng lượng Indonesia Arifin Tasrif nói với các phóng viên rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể cung cấp từ 100 đến 150 triệu feet khối khí tiêu chuẩn mỗi ngày thông qua đường ống dẫn khí từ khối Tuna do Harbor Energy vận hành.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG