Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Hàn Quốc trình dự luật tìm công lý cho nạn nhân Việt Nam trong chiến tranh


Thông tin về binh sĩ Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam được trưng bày tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Hàn Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 17/2/2023.
Thông tin về binh sĩ Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam được trưng bày tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Hàn Quốc ở Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 17/2/2023.

Hai mươi lăm nhà lập pháp Hàn Quốc hôm thứ Năm (23/2) cùng nhau ký vào một dự luật điều tra tội ác chiến tranh của quân đội Hàn Quốc trong Chiến tranh Việt Nam.

“Trong nhiều năm, các nạn nhân Việt Nam đã yêu cầu chính phủ Hàn Quốc thừa nhận các vụ sát hại thường dân có liên quan đến binh sĩ Hàn Quốc, cũng như một lời xin lỗi và bồi thường chính thức. Cho đến nay, chính phủ Hàn Quốc chưa thực hiện bất kỳ bước nào như vậy”, The Korea Herald dẫn lời Nghị sĩ Kang Min-jung, một trong những nhà lập pháp tác giả dự luật, nói trong một cuộc họp báo.

Theo bà, “Những nỗ lực tìm kiếm sự thật về Chiến tranh Việt Nam phải được tiến hành ở cấp chính phủ càng sớm càng tốt”.

Dự luật của các nghị sĩ Hàn Quốc đề xuất thành lập một ủy ban độc lập điều tra phạm vi của các vụ thảm sát và các tội ác chiến tranh do binh sĩ Hàn Quốc gây ra trong Chiến tranh Việt Nam, từ năm 1964 đến 1973. Trong thời gian điều tra, ủy ban sẽ báo cáo những phát hiện của mình cho Quốc hội và văn phòng tổng thống Hàn Quốc.

Nghị sĩ Kang cho biết bà đến thăm Việt Nam vào tuần trước và gặp gỡ những người sống sót sau các vụ thảm sát. Những nạn nhân này vẫn thường xuyên tổ chức các buổi lễ tưởng niệm chung để bày tỏ thương tiếc đối với những mất mát từ các vụ thảm sát.

Dự luật được đưa ra sau một phán quyết mang tính lịch sử vào ngày 8/2, trong đó một tòa án ở Seoul yêu cầu chính phủ Hàn Quốc trả 30 triệu won (23.100 USD) cho một phụ nữ người Việt 62 tuổi là bà Nguyễn Thị Thanh.

Tòa án kết luận rằng các binh sĩ Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát diễn ra vào năm 1968 tại làng của bà. Mặc dù sống sót, bà Nguyễn Thị Thanh đã bị thương rất nặng và mất đến 5 người thân trong vụ thảm sát diễn ra tại làng Phong Nhất và Phong Nhị của tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, một tuần sau khi phán quyết của tòa án Soeul được đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup hôm 16/2 khẳng định với quốc hội nước này rằng quân đội Hàn Quốc không thực hiện bất kỳ vụ thảm sát nào trong Chiến tranh Việt Nam và nói rằng chính phủ Hàn Quốc sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án yêu cầu bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh.

“Tôi nghĩ những gì bộ trưởng nói với Quốc hội không chỉ là ý kiến cá nhân của ông ấy, mà còn là lập trường chính thức của Tổng thống Yoon Suk Yeol và chính quyền của ông”, Kim Eui-kyeom, nghị sĩ đồng tác giả của dự luật, nói với báo chí hôm 23/2.

Theo ông, trong khi Hàn Quốc đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi và bồi thường về những tội ác chiến tranh đã gây ra với các nạn nhân Hàn Quốc, thì nước này cũng nên nhận ra những hành động sai trái của mình và nói lời xin lỗi.

Phát biểu trong cùng một cuộc họp báo, Lim Jae-sung, một trong những luật sư đại diện cho bà Nguyễn Thị Thanh, nói ông hy vọng dự luật sẽ “đánh dấu sự khởi đầu của việc thực thi công lý đã quá hạn từ lâu đối với các nạn nhân Việt Nam trong chiến tranh”.

“Vào thời điểm chiến tranh ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn và luật nhân đạo quốc tế đã bị vi phạm, phán quyết của tòa án có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử thế giới”, luật sư Kim Nam-ju của bà Nguyễn Thị Thanh nói.

Ngoài Bộ trưởng Quốc phòng, các nhóm cựu chiến binh Hàn Quốc cũng không đồng ý với phán quyết của tòa án Seoul.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG