Đường dẫn truy cập

Bộ trưởng Tài chính Nga: Ngân sách 2023 có thể thâm hụt thêm nữa do giới hạn giá dầu


Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.

Thâm hụt ngân sách của Nga có thể lớn hơn mức dự kiến 2% GDP vào năm 2023 do giới hạn giá dầu làm giảm thu nhập xuất khẩu, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov nói, thêm một khó khăn tài chính cho Moscow giữa lúc Nga đang phải chi tiêu rất nhiều cho các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Nhận định của ông Siluanow thể hiện sự thừa nhận rõ ràng nhất của Moscow rằng mức giá trần 60 USD/thùng - do Nhóm G7, Liên minh châu Âu và Australia áp đặt vào ngày 5/12 với mục đích hạn chế khả năng của Nga về cung cấp tiền cho chiến dịch quân sự - thực sự có thể ảnh hưởng đến tài chính của nước này.

Tuần trước, Nga nói rằng khi có giới hạn giá đối với các sản phẩm dầu thô và tinh lọc của họ, Nga có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng dầu từ 5%-7% vào đầu năm tới. Nhưng cho dù có cắt giảm sâu đến mức nào, ông Siluanov cho biết các cam kết chi tiêu sẽ vẫn được đáp ứng, và nếu cần, có thể sử dụng đến thị trường vay nợ và quỹ dự phòng khẩn cấp của đất nước.

Tổng thống Vladimir Putin hôm 9/12 gọi việc áp giá trần là “ngu xuẩn”, nói rằng mức trần 60 đô la tương ứng với mức giá mà Nga đang bán rồi và nói thêm rằng “Đừng lo lắng về ngân sách”.

Ông Siluanov cho biết việc cắt giảm khối lượng xuất khẩu năng lượng là điều có thể xảy ra do một số quốc gia xa lánh Nga và nước này đang tìm cách phát triển các thị trường mới, một quá trình sẽ quyết định lợi nhuận xuất khẩu.

Bộ trưởng Tài chính Nga nói: “(Mức giá trần) có ý nghĩa ở chỗ các quốc gia đã đặt ra giá trần sẽ không có nguồn cung”.

Ông nói thêm rằng: “Điều này có nghĩa là sẽ có các quốc gia khác. Vâng, chi phí hậu cần sẽ tăng lên. Kết quả là chiết khấu có thể thay đổi”.

Nếu khối lượng giảm đi, theo lời ông Siluanov, Nga sẽ có hai nguồn ngân quỹ bổ sung: Quỹ tài sản quốc gia (NWF), là nơi tích lũy dự trữ nhà nước; và các khoản vay.

Chính phủ Nga đã vay rất nhiều trong quý này sau nhiều tháng Moscow quyết định điều hàng chục nghìn quân vào Ukraine cho cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nga hiện dự kiến sử dụng hơn 2 nghìn tỷ rúp (29 tỷ USD) từ NWF vào năm 2022 khi tổng chi tiêu vượt quá 30 nghìn tỷ rúp, nhiều hơn so với kế hoạch ban đầu của năm.

Chi tiêu của NWF trong tháng 12 có thể lên tới 1,5 nghìn tỷ rúp. Tính đến ngày 1/12, tài sản lưu động trong NWF đạt tổng cộng 7,6 nghìn tỷ rúp, tương đương 5,7% GDP của Nga.

Nga đang chuyển hướng ngân sách sang cho an ninh nội địa và quốc phòng. Điều này sẽ khiến nguồn ngân quỹ cho các trường học và bệnh viện bị cắt giảm vào năm tới. Nước này cũng đang vay mượn rất nhiều để đạt được mục tiêu trên.

Chỉ riêng trong quý này, Bộ tài chính Nga đã huy động được hơn 3 nghìn tỷ rúp tại các cuộc đấu giá nợ của chính phủ.

Nước này cũng đã nới lỏng các hạn chế đối với việc phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi, vốn đã giúp Nga vượt qua nhiều khó khăn trong khoảng thời gian vay mượn gần đây, nhưng không có mục tiêu cụ thể cho khoản này, hiện ở mức 38%, trong danh mục nợ.

Lãi suất của Nga đã giảm dần kể từ khi tăng lãi suất khẩn cấp lên 20% vào tháng 2, nhưng lạm phát trên mức mục tiêu có thể sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa trong năm tới.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG