Đường dẫn truy cập

World Bank: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam ‘chững lại’


Công nhân may mặc Việt Nam.
Công nhân may mặc Việt Nam.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) hôm 14/12 công bố bản cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12, trong đó nói rằng “cả hai động lực tăng trưởng là xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại”.

Theo World Bank, lần đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, “do sức cầu bên ngoài yếu đi và do tác động xuất phát điểm thấp tính từ đợt phục hồi quý tư năm 2021”.

Tổ chức tài chính này cũng đánh giá rằng tiêu dùng hậu COVID “cũng dường như phục hồi chậm lại”, và rằng việc điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt hơn và lạm phát gia tăng “có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước trong thời gian tới”.

World Bank cho rằng trong điều kiện huy động vốn toàn cầu dự kiến “vẫn tiếp tục bị thắt chặt và nhu cầu bên ngoài đang yếu đi”, cơ quan quản lý tiền tệ của Việt Nam “có thể cân nhắc cho phép tỷ giá được linh hoạt hơn nữa nhằm hấp thụ những biến động trong môi trường bên ngoài”.

“Phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ là điều kiện quan trọng để duy trì ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước gia tăng”, Ngân hàng Thế giới nhận định.

“Chiến lược chi tiêu thận trọng hơn và tập trung hơn vào đúng ưu tiên nhằm đảm bảo đầu tư cho vốn con người, hạ tầng xanh và thích ứng khí hậu sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và tiềm năng của nền kinh tế”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi đầu năm nay đã yêu cầu Bộ Công thương “nghiên cứu” khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình kinh tế Việt Nam.

World Bank hồi đầu tháng Tám vừa qua nhận định rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo “tăng mạnh” từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022.

World Bank cho biết rằng con số tăng trưởng trên nhờ vào việc “phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG