Đường dẫn truy cập

Mỹ, Đài Loan khởi động đàm phán thương mại sau khi TT Biden không mời hòn đảo vào IPEF


Sáng kiến ​​Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 phần lớn tương đồng với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden.
Sáng kiến ​​Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 phần lớn tương đồng với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden.

Hoa Kỳ sẽ khởi động các cuộc đàm phán thương mại mới với Đài Loan, các quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm 1/6, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden đưa ra một kế hoạch kinh tế cho châu Á nhằm đẩy lùi Trung Quốc, nhưng không mời Ðài Loan tham gia.

Washington và Đài Bắc sẽ “nhanh chóng phát triển một lộ đồ” cho Sáng kiến Hoa Kỳ-Đài Loan về Thương mại Thế kỷ 21 đã được lên kế hoạch trong những tuần tới, sau đó sẽ là các cuộc gặp trực tiếp tại thủ đô Hoa Kỳ vào cuối tháng 6, hai quan chức chính quyền cấp cao của Hoa Kỳ nói với các phóng viên.

Sáng kiến này nhằm mục đích “đạt được một thỏa thuận với các cam kết tiêu chuẩn cao tạo ra sự thịnh vượng bao hàm và lâu dài” về các vấn đề bao gồm tạo thuận lợi cho hải quan, chống tham nhũng, các tiêu chuẩn chung về thương mại kỹ thuật số, quyền lao động, tiêu chuẩn môi trường cao và nỗ lực hạn chế các doanh nghiệp sở hữu nhà nước và các hoạt động phi thị trường, một trong các quan chức Mỹ cho biết

Sáng kiến song phương phần lớn tương đồng với Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) của chính quyền Biden, một quan hệ đối tác kinh tế với 13 quốc gia châu Á mà ông đã khởi động vào tuần trước trong chuyến thăm tới Seoul và Tokyo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không mời Đài Loan tham gia các cuộc đàm phán IPEF.

Các nhà phân tích cho biết các quốc gia khác sẽ do dự khi tham gia vào một nhóm chung với hòn đảo này vì sợ sẽ chọc giận Bắc Kinh, vốn luôn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình. Hơn 200 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã thúc giục đưa Đài Loan vào IPEF.

Các cuộc đàm phán với Đài Loan, do phía Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ dẫn đầu, sẽ bổ sung cho một số cuộc đối thoại hiện có với hòn đảo, bao gồm một cuộc đối thoại do Bộ Thương mại chủ trì về kiểm soát xuất khẩu và các vấn đề chuỗi cung ứng khác, quan chức này cho biết thêm.

Giống như IPEF, sáng kiến thương mại với Đài Loan sẽ không cần quốc hội phê duyệt vì nó sẽ không bao gồm các yêu cầu tiếp cận thị trường hoặc giảm thuế quan, quan chức này nói thêm.

Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, một nhà sản xuất chất bán dẫn lớn, nhưng đã tăng cường can dự với hòn đảo này khi Trung Quốc tìm cách cô lập nó khỏi các tổ chức toàn cầu.

Thông báo được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến vào ngày 1/6 giữa Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi và Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Đài Loan John Deng thuộc Viện Hoa Kỳ không chính thức tại Đài Loan và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG