Đường dẫn truy cập

Nga cảnh báo triển khai hạt nhân nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO


Ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga.
Ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga.

Một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/4 cảnh báo NATO rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu thì Nga sẽ phải tăng cường khả năng phòng thủ của mình trong khu vực, bao gồm cả việc triển khai vũ khí hạt nhân.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga và Thụy Điển đang xem xét gia nhập liên minh NATO. Thủ tướng Sanna Marin cho biết Phần Lan sẽ đưa ra quyết định trong vài tuần tới.

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga, nói rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Biển Baltic.

Ông Medvedev cũng nêu rõ đe dọa hạt nhân khi nói rằng sẽ không còn có chuyện đàm phán về một Baltic “phi hạt nhân” - nơi Nga có vùng đất Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Lithuania.

“Không thể bàn cãi thêm về bất kỳ tình trạng phi hạt nhân nào đối với Baltic - sự cân bằng phải được khôi phục”, ông Medvedev, là tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, nói.

“Cho đến hôm nay, Nga đã không và vẫn chưa thực hiện các biện pháp như vậy”, ông Medvedev nói. “Nếu chúng tôi bị ép quá... thì hãy lưu ý rằng không phải chúng tôi là người khởi đầu chuyện này”, ông nói thêm.

Lithuania nói những lời đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu trước cuộc chiến ở Ukraine.

Việc Phần Lan và Thụy Điển có thể gia nhập NATO - được thành lập vào năm 1949 để cung cấp an ninh chung cho phương Tây chống lại Liên Xô - sẽ là một trong những hậu quả chiến lược lớn nhất của châu Âu trong cuộc chiến ở Ukraine.

Phần Lan giành độc lập từ Nga vào năm 1917 và đã chiến đấu hai cuộc chiến chống lại nước này trong Thế chiến thứ hai, trong đó nước này mất một số lãnh thổ vào tay Moscow. Hôm 14/4, Phần Lan thông báo một cuộc tập trận quân sự ở Tây Phần Lan với sự tham gia của các lực lượng từ Anh, Mỹ, Latvia và Estonia.

Thụy Điển đã không tham chiến trong 200 năm và chính sách đối ngoại thời hậu chiến tập trung vào việc ủng hộ nền dân chủ trên trường quốc tế, đối thoại đa phương và giải trừ hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG