Đường dẫn truy cập

Pakistan hạ giảm sự nghiêm trọng của vụ bế tắc về tuyến đường tiếp tế


Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar
Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar
Pakistan đang giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng về sự đổ vỡ của các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Pakistan trong việc mở lại các tuyến đường tiếp tế cho lực lượng NATO ở Afghanistan. Thông tín viên Sharon Behn tường trình từ Islamabad rằng hai nước đang tiếp tục đối thoại bất chấp việc Hoa Kỳ rõ ràng đã rút khỏi các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar ngày hôm nay nói rằng hai nước đã kết thúc các hoạt động ráo riết về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến các tuyến đường tiếp tế trước khi nhóm đàm phán Hoa Kỳ rời khỏi Islamabad.

Bà nhấn mạnh rằng hai nước vẫn tiếp tục giải quyết những khác biệt.

Bà Khar cho biết: "Chúng tôi đang có tiến triển, chúng tôi đang trao đổi, chúng tôi đang tham vấn, chúng tôi đã tham gia đối thoại với họ và chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể tìm thấy và đạt được một giải pháp mà cả người dân và hai nước đều chấp nhận được.”

Ngoại trưởng Pakistan nhắc lại lời kêu gọi của nước bà đòi Hoa Kỳ xin lỗi về một vụ tấn công bằng phi đạn hồi tháng 11 đã giết nhầm 24 binh sĩ Pakistan, và chấm dứt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Pakistan.

Hoa Kỳ đã phớt lờ những lời phản đối của Islamabad về các vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tiếp tục nhắm vào các địa điểm trú ẩn của phe chủ chiến tại các khu vực bộ lạc ở tây bắc Pakistan.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tuần trước đã gay gắt chỉ trích Pakistan vì đã không hành động đủ để dẹp tan phiến quân. Các lãnh đạo quân đội Pakistan sau đó đã từ chối một cuộc gặp với một giới chức quốc phòng cấp cao của Hoa Kỳ. Hôm thứ Hai, Ngũ Giác Đài đã triệu hồi một số thương thuyết gia của họ khỏi Islamabad “trong thời gian ngắn”, nhưng nói rằng cuộc đối thoại vẫn tiếp diễn.

Bà Maleeha Lodhi, cựu đại sứ Pakistan ở Washington nói rằng bà không thấy có dấu hiệu thụt lùi mới khi nhóm đàm phán của Hoa Kỳ rời đi. Thay vì thế, bà nói rằng đó chỉ là một sự tiếp diễn của sự bế tắc đã kéo dài dai dẳng trong sáu tháng qua.

Bà Lodhi nói: "Lời đề nghị từ phía Hoa Kỳ đang được đưa lên bàn đàm phán, và dĩ nhiên yêu cầu từ phía Pakistan rằng Hoa Kỳ phải xin lỗi cũng đang được đưa lên bàn đàm phán. Đó là điều quan trọng để phá vỡ thế bế tắc của toàn bộ vấn đề về tuyến đường tiếp tế của NATO.”

Các chuyến hàng tiếp tế của NATO có thể được đưa vào hoặc ra khỏi Afghanistan qua ngả Pakistan hoặc qua Trung Á. Nhưng tuyến đường Trung Á tốn kém hơn.

Phân tích gia Rustam Shah Mohmand nói rằng có thể có hai lời giải thích cho vụ rút khỏi cuộc đàm phán mới nhất này. Đó có thể là một cuộc rút lui chiến lược nhằm gây áp lực lên Pakistan. Hoặc đó cũng có thể là vì nhóm đàm phán Hoa Kỳ đã hết kiên nhẫn.

Cho dù là lý do gì, ông Mohmand cho rằng hai bên có phần chắc sẽ vẫn duy trì quan hệ.

Ông Mohmand nói: “Trong lúc này điều đó phục vụ mục tiêu của cả hai chính phủ, vì vậy tôi không nghĩ rằng quan hệ sẽ bị ảnh hưởng, mối quan hệ đó sẽ không sụp đổ.”

Nhiều người tin rằng Pakistan có một vai trò sống còn trong việc đảm bảo một sự chuyển tiếp yên bình ở Afghanistan khi lực lượng quốc tế bắt đầu rời khỏi nước này.

Ngoại trưởng Anh William Hague phát biểu tại Pakistan ngày hôm nay rằng ông quan ngại về một tranh cãi có thể xảy ra giữa Hoa kỳ và Pakistan. Ông nói rằng ông trông đợi cả hai quốc gia sẽ cùng nhau hợp tác một cách thành công.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG