Đường dẫn truy cập

Đoàn tụ các gia đình Triều Tiên ly tán: Bình Nhưỡng đổi ý


Lá cờ thống nhất của bán đảo Triều Tiên
Lá cờ thống nhất của bán đảo Triều Tiên

Bắc Triều Tiên ngày 19/7 tuyên bố chuyện đoàn tụ các gia đình bị ly tán bởi chiến tranh Triều Tiên sẽ không thể xảy ra nếu như Hàn Quốc không trao trả ngay lập tức các công dân của của Bắc đến miền Nam trong những năm gần đây.

Hồi năm 2016, một nhóm 12 nhân viên nữ làm việc cho một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc đã đến Hàn Quốc và vấn đề này đã là nguồn cơn gây tranh chấp giữa Seoul và Bình Nhưỡng. Bắc Triều Tiên cáo buộc Hàn Quốc đã bắt cóc nhóm người này trong khi Hàn Quốc nói rằng họ tự nguyện ở lại miền Nam.

Bắc Triều Tiên đã thường xuyên viện lý do này để bác bỏ yêu cầu mà Hàn Quốc liên tục đưa ra giúp những người lớn tuổi bị chia cắt bởi cuộc chiến Triều Tiên được đoàn tụ tạm thời. Nhưng tuyên bố hôm 20/7 của Bình Nhưỡng là nỗ lực đầu tiên trong việc gắn kết số phận của nhóm phụ nữ vừa kể với cuộc đoàn tụ dự định diễn ra vào tháng Tám. Diễn tiến này xảy ra vào lúc có những quan ngại về nỗ lực ngoại giao toàn cầu thúc đẩy miền Bắc từ bỏ vũ khí hạt nhân đang đạt được ít tiến triển sau nhiều tháng quan hệ nồng ấm.

Trang mạng Uriminzokkiri do nhà nước kiểm soát ở miền Bắc nói rằng vấn đề đoàn tụ cũng như quan hệ nói chung giữa hai miền Triều Tiên có thể sẽ gặp trở ngại nếu Seoul không để những người nữ nhân viên này quay về.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết họ không có bình luận gì về bản tin của Uriminzokkiri.

Ngày càng có nhiều phỏng đoán rằng một số trong số 12 người phụ nữ Bắc Triều Tiên này có lẽ đã bị gạt đến miền Nam.

Sau khi gặp gỡ một số phụ nữ này hồi đầu tháng, ông Tomas Ojea Quintana, nhà điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, nói với các phóng viên ở Seoul họ kể với ông rằng họ không biết đang đi về hướng Hàn Quốc khi họ rời khỏi Trung Quốc.

“Một số người trong số họ đã được đưa tới Hàn Quốc mà không hề hay biết,” ông Quintana nói. “Nếu họ bị đưa đi một cách ép buộc thì đó có thể được xem là một tội ác. Trách nhiệm của nghĩa vụ của Chính phủ Hàn Quốc là phải điều tra.”

Truyền thông Hàn Quốc trước đó cũng đã đưa tin tương tự và họ dẫn lời các cuộc phỏng vấn với một vài những người nữ nhân viên này cũng như người quản lý nam giới vốn là công dân Bắc Triều Tiên đi cùng với họ đến Hàn Quốc.

Những người phụ nữ này đến Hàn Quốc vào lúc nước này có một chính phủ bảo thủ vốn có lập trường cứng rắn về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in hiện tại có đường lối tự do hơn và ông mong muốn mở rộng quan hệ với miền Bắc. Tuy nhiên, việc hồi hương những người phụ nữ này sẽ là một vấn đề tế nhị do nhiều chuyên gia cho rằng thân nhân của những người quyết định ở lại miền Nam nhiều khả năng sẽ đối mặt với sự trả thù của chính phủ Bắc Triều Tiên.

Kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, hơn 31.000 người dân miền Bắc đã bỏ chạy xuống miền Nam vì những lý do chính trị, kinh tế và những lý do khác, theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc. Seoul chưa bao giờ hồi hương bất kỳ người dân miền Bắc đào tẩu nào mặc dù một số người được cho là đã tự nguyện hồi hương sau khi không thể thích nghi với cuộc sống mới ở miền Nam.

Hai miền Triều Tiên đã cấm công dân của họ thăm viếng họ hàng ở phía bên kia biên giới hay có liên lạc gì mà không được sự cho phép đặc biệt của chính quyền. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, đã có gần 20.000 người dân hai miền Triều Tiên đã được phép đoàn tụ với người thân trong vài ngày, trong các đợt đoàn tụ. Đợt đoàn tụ sau cùng là vào năm 2015.

Trong khi Hàn Quốc muốn tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc đoàn tụ, Bắc Triều Tiên muốn các cuộc gặp diễn ra không thường xuyên bởi vì họ không muốn lãng phí điều mà họ cho là một lợi thế đàm phán ngoại giao quan trọng và do họ lo lắng người dân của họ sẽ hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, theo các chuyên gia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG