Đường dẫn truy cập

Miến Điện tuyên các án tù nặng trong các vụ xung đột sắc tộc


Người Hồi giáo Rakhine tại làng Paik Thay. Bạo động đã buộc cư dân phải rời bỏ nhà cửa chạy lánh nạn.
Người Hồi giáo Rakhine tại làng Paik Thay. Bạo động đã buộc cư dân phải rời bỏ nhà cửa chạy lánh nạn.
Chính phủ cam kết áp dụng các biện pháp để vãn hồi hòa bình ở bang Rakhine, nơi bạo động giữa người Rakhine theo đạo Phật và người Rohingya theo đạo Hồi đã bùng ra hai lần trong 6 tháng qua. Đặc biệt, chính phủ đã cam kết phục hồi thể chế pháp trị, nhưng những phán quyết do một tòa án ở Sitwe đưa ra trong tuần này đã làm cho nhiều người hoài nghi về cam kết vừa kể.

Ông Thein Htay, Bộ trưởng Biên giới Miến Điện, là người giám sát những nỗ lực mang lại hòa bình cho bang Rakhine. Tại một cuộc họp báo hồi tuần trước, ông cam kết rằng các cơ quan chấp hành luật pháp trong khu vực này đang đưa ra trước ánh sáng công lý những kẻ khích động cho những vụ bạo động bùng ra lần đầu hồi tháng 6.

Ông Thein Htay nói: "Có một số hoạt động để phục hồi sự cai trị dựa trên pháp luật cho nên chúng tôi đã bổ nhiệm một số viên chức hành chánh trong khu vực này và cũng có một số đon vị phụ trách những cuộc điều tra đặc biệt."

Nhà cửa bị thiêu rụi ở Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine ở Miến Điện.
Nhà cửa bị thiêu rụi ở Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine ở Miến Điện.
Tuy có cam kết như vậy, các tổ chức nhân quyền quốc tế đang lo ngại về việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các tù nhân đang bị giam giữ mà không thông qua các thủ tục pháp lý. Ông Matthwe Smith của tổ chức Human Rights Watch mới đây đã đi thăm tiểu bang Rakhine. Ông cho biết như sau về tình hình ở tiểu bang có tên cũ là Arakan này.

Ông Smith nói: "Tôi biết hàng trăm người đã bị bắt trong tiểu bang Arakan ở miền bắc. Có nhiều địa điểm giam giữ trên khắp Arakan - Buthidaung, Maungdaw, Rathedaung và nhiều nơi khác. Đây là nơi mà những người đó đang bị giam, cho nên chắc chắn là cần phải có những nhân vật độc lập đến thăm các nhà tù và nói chuyện với các tù nhân để biết được những gì đang xảy ra.

Hồi đầu tuần này, một người sắc tộc Rohingya tên Tun Aung đã bị tuyên án 15 năm trong khuôn khổ của cuộc điều tra về bạo động ở tiểu bang Rakhine. Tuy nhiên, ông này bị kết tội với những tội danh ít khi được mang ra truy tố là sở hữu ngoại tệ và dùng email để chuyển đi những hình ảnh của vụ bạo động. Hội Ân xá Quốc tế cho biết ông Tun Aung không được phép có luật sư bào chữa mà cũng không nhận được sự chăm sóc y tế cho một khối u ở tuyến yên.

Con gái của ông Tun Aung, một nhân viên của Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, cũng đã bị bắt và đang bị giam tại nhà tù Insein ở Rangoon.

Ông Abu Tahay, một nhà lãnh đạo cộng đồng người Rohingya và từng đắc cử quốc hội, nói rằng ông Tun Aung không phải là người Rohingya duy nhất bị tuyên án tù lâu năm mà không thông qua một cuộc xét xử công bằng.

Một người đàn ông Phật giáo bị thương và cha tại một bệnh viện ở Sittwe, thủ phủ của tiểu bang Rakhine.
Một người đàn ông Phật giáo bị thương và cha tại một bệnh viện ở Sittwe, thủ phủ của tiểu bang Rakhine.
Ông Abu Tahay nói: "Không phải chỉ có Tun Aung mà còn có gần một trăm người khác ở Buthidaung và Maungdaw cũng bị các tòa án tuyên những án tù từ 8 đến 10 năm trong vài tháng qua. Và cũng không có luật sư nào được phép tham gia các quá trình của tòa án."

Ông Kyaw Hla Aung, một nhân viên địa phương của Hội Y sĩ không biên giới, đã ngồi tù chung với ông Tun Aung cho tới khi được thả hồi tháng 8. Ông nói rằng các ông đã bị tra tấn trong tù và bị buộc phải phủ nhận rằng mình không phải là người sắc tộc Rohingya mà là người Bangladesh.

Ông Kyaw Hla Aung nói thêm như sau: "Tình hình rất xấu. 185 người bị tố cáo vẫn còn bị giam để chờ được đưa ra xét xử trong những vụ án khác và có hai người bị tố cáo đã bị tra tấn và bị giết chết trong 10 ngày qua."

Hai người thiệt mạng được xác nhận là ông Shukur Gyi, 56 tuổi, và ông Fur Ahmed, 60 tuổi. Ông Kyaw Hla Aung nói rằng khi xác hai người này được đưa về quê để chôn cất, người ta nhìn thấy xác họ có dấu vết bị tra tấn.

Các nhân vật tranh đấu nhân quyền nói rằng cuộc điều tra về vụ bạo động ở Rakhine là một sự nhắc nhở khác nữa để mọi người biết rằng hệ thống tư pháp của Miến Điện tiếp tục không được cải thiện, tuy quốc gia này đã thực hiện cải cách trong thời gian gần đây. Họ cho rằng hệ thống này vẫn thiếu sự độc lập cần thiết để tiến hành những cuộc điều tra không thiên vị.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG