Đường dẫn truy cập

Port-au-Prince


Port-au-Prince
Port-au-Prince

Đây là lần thứ hai tôi trở lại thủ đô của Haiti trong vòng 3 tháng. Nếu tôi nhớ không lầm thì một số bạn đọc trước đây cũng có ý muốn biết tôi đang làm gì mà sao thấy lúc nào cũng đi. Không Châu Phi, Nam Mỹ hôm nay thì cũng Châu Á, Úc ngày mai. Mặc dù mình đang ở Mỹ!

Thật ra thì chính tôi đây nhiều khi cũng không biết là mình cần phải đi nhiều đến vậy. Như lần này phải bay sang Haiti chỉ vỏn vẹn có một tuần. Vì công việc nó đòi hỏi như thế. Và chỉ được cho biết trước đó có vài ngày.

Vậy mới có chuyện để kể.

Bởi thế hôm nay tôi cũng xin có lời chia sẻ với các bạn là, không như một số người khác may mắn chỉ phải làm độc nhất một công việc cho cả đời theo đúng như câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, thì tôi ngược lại hiện tại đang phải làm tới 3 công việc! Nếu không muốn nói là 4.

Cũng vì vậy mà tôi không có cái gì được tinh. Và cho đến nay ráng hoài nhưng thân chẳng thấy vinh. Thế mới chán.

Công việc thường nhật của tôi là làm Giám Đốc Phát Triển (Director of Program Development) cho một cơ quan phi chính phủ của Mỹ (“non-government organization” thường được viết tắt là NGO) hiện đang đặt bản doanh ở Washington DC. Đây là một cơ quan từ thiện chuyên lo về hai vấn đề căn bản nhất trong cuộc sống của những người tỵ nạn nghèo khổ trên thế giới đó là: Nước và Lửa. Làm sao họ có nước sạch để xài, để uống? Và làm thế nào những người tỵ nạn bần cùng ấy có thể nấu ăn mà không cần phải tốn nhiều tiền để mua củi, mua lò về xài?

Đây là sứ mệnh, một câu hỏi được đặt ra của cơ quan tôi, khá dễ hiểu, nghe cũng rất đã tai nhưng đụng vào công việc thì mới thấy… khó. Vì đào giếng thôi chưa đủ. Cho những người nghèo mỗi gia đình một cái lò cũng không xong. Bởi sự giúp đở nào cũng không thể có liên tục và mãi mãi. Cũng như không phải dân tộc nào cũng có cùng một văn hóa và cách suy nghĩ giống nhau về một vấn đề. Ngay cả khi vấn đề ấy liên quan mật thiết đến cuộc sống của họ. Như nước. Hoặc lửa.

Nhưng thật ra thì công việc của tôi cũng không có gì gọi là khó khăn, khổ cực. Vì phần lớn tôi chỉ phải chú trọng đến hai vấn đề trong cơ quan đó là nhân sự và phát triển chương trình. Điều này chỉ đòi hỏi ở tôi phải thường đi hội họp với các nhân viên của cơ quan đang làm việc nhiều nơi trên thế giới như Kenya, Somalia, Uganda, Haiti, v.v… Cũng như với các cơ quan khác đang hợp tác chung như WFP, UNHCR, IOM, UNDP.

Cũng vì phải hội họp nhiều nên tôi mới có dịp đi đây đi đó hơi… nhiều. Và cũng nhờ vậy mà tôi mới có dịp kể cho các bạn nghe về những nơi mà tôi đi qua. Như Kampala, Kenya, Dadaab. Và hôm nay là Port-au-Prince nơi vẫn có hơn 1 triệu người đang lâm vào cảnh “màn lều, chiếu bao bố”. Cơm mỗi ngày phải xin. Học không cần trường lớp mà chỉ có những tấm vải lều bao bọc.

Tôi rất thích công việc này vì nó cho tôi bước hẳn ra khỏi thế giới của người Việt, của cộng đồng Việt Nam và làm quen, chung đụng với những dân tộc khác cũng như chia sẻ, cảm thông với những trăn trở, suy tư của họ. Có lẽ cũng nhờ vậy mà tôi cảm thấy tôi là người rất dễ thích nghi với cuộc sống hằng ngày. Và luôn cảm nhận được mình là một người rất may mắn. Ngay cả khi có những điều không hay, xúi quẩy đến với mình.

Nhưng hình như ngay cả khi tôi có cố cách mấy, xa cách mấy thì tôi cũng không thể nào quên được cái gốc của mình. Cũng như bỏ ngoài tai những khó khăn mà một số người Việt vẫn đang gặp phải. Vì vậy có thể nói đối với tôi vấn đề tỵ nạn Việt Nam nó như là một người tình… cũ không rủ cũng đến. Và y hệt như câu: bỏ thì thương, vương thì tội. Bởi mặc dù mình đã vương vào nó hơn một chục năm nay rồi nhưng hình như vẫn còn thương.

Rõ của đáng tội là thế!

Vì như hầu hết những thằng con trai bình thường khác trên đời này, những lúc rãnh rổi tôi chỉ thích ở không, nằm nhà đọc sách, ôm vợ (hoặc bồ khi còn độc thân!), hoặc lên mạng, chơi thể thao. Hay trong thời gian gần đây là bế thằng cu Trịnh Phi về nhà cho ông bà nội nó vui.

Nhưng ngặt nỗi nếu tôi chỉ biết có vậy thì tôi nghĩ chắc còn lâu lắm những người tỵ nạn còn sót lại ở Campuchia hay ở Thái Lan mới có cơ hội tìm được một nơi nương tựa. Thế là a lê hấp, tôi vẫn phải tiếp tục công việc thứ hai của tôi. Tuy không lương nhưng nó lại mang đến cho tôi rất nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Riêng công việc thứ ba của tôi là đi làm MC, văn nghệ thì khó có thể nói nó là một đam mê không thể nào chừa. Đồng ý là tôi cũng thích làm cái nghề này lắm. Nó đã mang đến cho tôi không biết bao nhiêu là lợi lộc, tình cảm bạn bè, người quen, cũng như sự quí mến của khán giả Việt Nam trên khắp năm châu.Tin đồn tôi cặp con cán bộ gộc ở Việt Nam đã 3 năm rồi nhưng đi đâu tôi cũng vẫn “được” nhiều người chú tâm, hỏi rõ. Có người lần đầu tiên gặp vợ tôi còn hỏi thẳng có phải cô ta là con cán bộ hay không? Mặc dù cô ấy sinh ra và lớn lên ở Mỹ sau năm 1975, tiếng Việt nói còn chưa thông thì biết gì đến hàm ý đứng sau 3 chữ “con cán bộ”.

Biết vậy, cũng nhờ làm MC mà tôi tự dưng “nổi tiếng” nhưng không hiểu sao tôi lại không mặn mà lắm đối với cái nghề này. Không như công việc tỵ nạn mà tôi đã theo đuổi trong suốt một thập niên qua, nếu ai nhờ tôi làm MC thì… phải trả tiền tôi mới làm. Chứ còn làm thiện nguyện thì chắc cho tôi xin khiếu. Tôi không thích nói xạo theo kiểu “em làm chỉ vì đam mê nghệ thuật”. Vì đối với tôi nếu đã là đam mê rồi thì ngay cả khi không ai trả cho mình một đồng xu nào mình cũng vẫn làm. Đó mới thật sự là đam mê. Còn nếu như làm vì mình sẽ được trả lương thì đấy chỉ là công việc. Một công việc mình có thể thích, rất thích nhưng nó vẫn là công việc.

Thế đố bạn biết công việc thứ tư của tôi là gì?

Thôi. Hôm nay bài blog đã dài. Để hôm sau tôi kể nốt cho bạn nghe. Chúc mọi người cuối tuần vui vẻ.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG