Đường dẫn truy cập

Kỷ niệm


Kỷ niệm
Kỷ niệm

Hôm Giáng Sinh vừa rồi tôi về Úc ba tôi có hỏi tôi là tôi có muốn dọn dẹp lại cái phòng ngủ ngày xưa của tôi hay không. Vì đã gần 20 năm rồi mà cái chi tôi cũng vẫn để vậy. Kể cả những thư từ, hình ảnh, bài tập của những năm còn học trung học. Ba tôi bảo tôi nên dọn dẹp lại xem cái nào giữ được thì giữ còn không thì nên cho vào sọt rác. Để phòng trống trải, sạch sẽ hơn. Chứ không như bây giờ nó vẫn bề bộn như thể tôi vẫn còn đang ở đó đi học như ngày nào.

Nhưng làm sao tôi có thể quên hay bỏ vào sọt rác được bạn nhỉ. Từ tấm ra trải giường, những chiếc áo ấm, quần jeans nay đã bạc màu không còn mặc vừa được nữa. Những tấm ảnh của gia đình chụp chung hồi chúng tôi mới qua Úc, của một thời sinh viên chỉ biết học và chơi. Thậm chí tôi vẫn còn giữ những tờ đặc san của Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Melbourne mà tôi từng là một thành viên và cũng từng cộng tác để viết một bài tôi đặt tựa đề là “Trong Kỷ Niệm Có Hằng Kỷ Niệm”.

Sến đến thế đấy bạn ạ!

Chẳng biết ở vào cái thời điểm đó có bao nhiêu người đọc bài viết này (vì Hội Sinh viên vúc ấy chỉ có khoảng chừng 100 đứa) nhưng đêm hôm ngồi lục lại đống thùng cũ trong phòng tôi đã tình cờ tìm lại được những kỷ niệm mà, cho dù nó có sến bao nhiêu, thì cũng là những kỷ niệm đong đầy của một thời. Tưởng là đã quên hẳn rồi, mất cả rồi nhưng thật ra nó vẫn luôn quanh quẩn ở bên ta. Và chỉ chờ để có được một cơ hội gợi nhớ lại là nó sẽ dồn dập quay về.

Tôi nghĩ sinh ra trên đời có lẽ ai cũng vậy. Như câu nói tiếng Anh mà chúng ta thường nghe: it’s easier to forgive than forget. Chúng ta ai cũng có thể tha thứ nhưng không thể nào tẩy xóa được tất cả những gì chúng ta đã từng trải qua, cảm nhận. Và đối với một số người, trong đó có tôi, hầu như những khi nghĩ về quá khứ, chúng ta chỉ nhớ đến những niềm vui nho nhỏ, những giây phút hạnh phúc, ấm lòng. Chứ không hồi tưởng chỉ để nhớ lại những lúc khó khăn, đau khổ.

Thậm chí ngay cả khi tôi nghĩ về những giây phút chạnh lòng ấy thì niềm đau, nỗi nhớ nay chỉ còn thoáng một chút tủi hờn chứ nó không còn vật vã than khóc như ngày xưa. Thời gian, có lẽ thời gian cuối cùng giúp cho chúng ta ai cũng lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống. Và bản năng con người tự nó buộc ta phải quên đi những gì cần phải quên để hướng tới tương lai.

Như hôm cuối tháng vừa rồi tôi có dịp về lại Little Saigon ở Quận Cam để tham dự buổi họp mặt kỷ niệm 5 năm ngày tất cả các anh chị em tỵ nạn ở Philippines được định cư ở Mỹ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ai cũng bảo mới thấy đó mà 5 năm đã trôi qua. Thời gian ở đâu cũng vậy nhưng hình như ở Mỹ nó đi mau hơn nhiều vì ai cũng phải tất bật lo toan cho cuộc sống. Nhất là cuộc sống của những người tỵ nạn chậm chân đến trể chỉ có 15, 16 năm.

Thế nhưng, biết là cuộc sống ở trại lúc ấy rất bấp bênh, những năm tháng dài ai cũng phải tự bươn chải, gồng gánh để sống còn, nhiều người đã từng bị cướp, bị vào tù vì không có giấy tờ, một số người đã phải vĩnh viễn bỏ xác lại ở Philippines, nhưng đêm hôm ấy hầu như ai cũng chỉ nhớ lại những kỷ niệm tràn đầy của một thời khó nhọc. Ai cũng vui cười cùng ôn lại những lúc đi tranh đấu chung, những năm tháng chia ngọt xẻ bùi có nhau và cười vang mỗi khi có người nhắc lại những ngày cả đám phải khóc trong tủi nhục. Như tôi đây vẫn còn bị chọc quê là làm luật sư gì mà mít ướt chẳng ai bằng. Cãi không lại hay mỗi lần bị ăn hiếp thì chỉ biết… khóc!

Còn nhớ lúc tôi mới sang Phi lần đầu tiên đã không được cho vô Làng Việt Nam vì bị cho là “tạo cơ hội để đồng bào sống trong hảo huyền”. Không những tôi bị cấm vô mà sau này tôi còn bị mang tiếng là cho đồng bào ăn bánh vẽ và ngay cả Giám mục Arguelles của Giáo hội Công giáo Philippines cũng từng viết thư cảnh cáo tôi không được phép nói xấu Philippines nếu không ông sẽ báo cho Bộ Di trú nước này cấm tôi nhập cảnh. Mặc dù chính ông cũng biết, Cao ủy Tỵ nạn và cả cơ quan CADP của sơ Pascale Lê Thị Tríu cũng đều biết là tôi chỉ nói thật. Và tôi nói để người Việt mình được đi chứ không phải nói để làm xấu mặt người Philippines.

Vậy mà vẫn có người muốn hiểu lầm, thích hiểu lầm để chứng tỏ ta đây là người hiểu biết, chính ta đây mới là người có thể quyết định ai đi, ai ở và biết rõ hơn cả những người tỵ nạn trong cuộc là họ muốn gì. Nếu có dịp một ngày nào đó tôi sẽ viết một quyển sách để ghi lại về quãng đường 10 năm cuối cùng (1997 – 2007) của những thuyền nhân cũng là cuối cùng kể từ khi câu chuyện tỵ nạn Việt Nam được bắt đầu sau ngày Sài Gòn sụp đổ.

Chắc chắn là tôi sẽ có nhiều chuyện để kể lắm. Từ chuyện tôi chỉ tình cờ định ghé sang Philippines trong vòng 3 tháng nhưng quanh đi quẩn lại đã thấy trên 10 năm. Cho đến chuyện Bé Minh, chuyện Chú Dừa chỉ vì đi họp ở văn phòng tôi mà về Làng bị cho nghỉ việc. Hoặc chuyện cả đám tỵ nạn phải tự kéo nhau vào Quốc hội Philippines để tranh đấu cho tương lai của chính mình, mặc dù lúc ấy chẳng ai có một tờ giấy chứng minh nào trong tay, và tiếng Anh ai cũng chỉ biết bập bẹ nói tiếng được, tiếng mất.

Vậy mà họ đã thành công.

Thế mới gọi là ly kỳ. Thế mới gọi là trong kỷ niệm có hằng kỷ niệm.

Bảo đảm bạn quyển sách ấy sẽ không sến.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG