Đường dẫn truy cập

Còn bạn thì sao?


Còn bạn thì sao?
Còn bạn thì sao?

Đúng là tôi chậm thật. Hôm tối thứ tư tuần trước vừa viết blog gửi đi, đài chưa kịp đăng, thì sáng hôm sau ngủ dậy bật CNN lên xem tin tức đã thấy bài viết không còn chính xác. Tối hôm trước vừa mới viết câu: “Hôm nay trông tưởng chừng như là OK lắm nhưng chỉ vài năm sau (hay chỉ vài ngày sau) là hết…OK! Như cái ghế tổng thống của ông Mubarak chẳng hạn”.

Nhưng qua sáng hôm sau đã thấy cần gì đến vài ngày. Chỉ một ngày là đã đủ để cho ông già Mubarak phải lên TV thanh minh thanh nga với con dân, bảo rằng ông đã giao tất cả quyền hạn tổng thống cho phó tổng thống. Coi như cho ông xin ở lại giữ cái ghế hư vị tổng thống thêm 6 tháng nữa, 6 tháng nữa thôi là ông sẽ đi luôn. Để khỏi bị mất mặt. Để gọi là giữ một chút gì thể diện cho nhà lãnh đạo “ái quốc, thương nước, thương dân” vì ông đã bỏ ra hơn 30 năm hy sinh, cống hiến cho đất nước!

Vậy mà họ có nghe, có chịu tha cho ông đâu. Họ buộc ông phải bước xuống ngay lập tức. Không xuống thì họ sẽ tiếp tục biểu tình, tiếp tục đình công, tiếp tục tranh đấu cho đến khi nào ông chịu ra đi thì thôi.

Như giám đốc của công ty Google và cũng là người sáng lập chương trình Facebook kêu gọi mọi người cùng nhau biểu tình cách đây 18 ngày trước, Wael Ghonim đã thẳng thắn tuyên bố: một là Mubarak phải ra đi, hai là máu sẽ đổ và chúng tôi sẵn sàng chết vì lý tưởng tự do cho Ai Cập.

Rất may máu đã không còn phải đổ vì hôm nay, ngày 11 tháng 2 năm 2011, ông Mubarak cuối cùng đã từ chức, đánh dấu ngày Cách mạng Internet (Internet Revolution) thành công lần đầu tiên, theo như lời của một số báo nhận định.

Tôi vội lên ngay trang Facebook và thông tin mừng đến 5000 người đang cập vào trang của mình. Và chỉ vài tiếng sau là đã có vài chục tin nhắn gửi đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả Việt Nam là nơi không phải dễ mà bạn có thể tự ý truy cập Facebook.

Người thì bảo rất thích khi nghe tin này. Một vài người lại cho là ở Ai Cập thì dễ chứ ở Việt Nam thì còn…khuya. Họ bảo ở Ai Cập quân đội không những không đàn áp, không làm khó dễ những người biểu tình mà họ còn tạo điều kiện để những người biểu tình có thể phát biểu ý kiến của mình trong trật tự mà không bị nhóm thân hữu của Mubarak vào quậy phá. Nếu ở Việt Nam thì chưa kịp đến nơi biểu tình là đã bị quân đội nhân dân ta cho lên xe về bót. Làm gì có chuyện 18 ngày ăn dầm nằm dề biểu tình nơi công cộng như ở Cairo!

Cũng có thể họ đúng vì thành thật mà nói trong đời tôi chưa bao giờ có dịp may chứng kiến được một cảnh biểu tình tương tự. Ở Sài Gòn hay ở Hà Nội.

Nhưng ở Cairo thì tôi đã thấy qua. Cách đây gần 10 năm về trước lúc tôi vừa học bên Anh xong và tự thưởng cho mình một tấm vé khứ hồi London – Cairo trước khi trở lại Philippines làm việc.

Một điều mà tôi nghĩ những ai chưa có dịp đặt chân đến đất nước này nên biết đó là Ai Cập là một đất nước đang phát triển. Nếu so với Sài Gòn, Hà Nội, thì thủ đô Cairo to rộng hơn nhiều. Cơ sở hạ tầng, đường phố, nhà cửa, sân bay…nhìn chung họ phát triển hơn Việt Nam. Đấy là chưa kể đến những khía cạnh khác trong xã hội. Như nền báo chí tư nhân, sự có mặt của các đảng phái chính trị đối lập, v.v…

Còn nhớ có một hôm chính mắt tôi đã trông thấy một cuộc biểu tình đòi lên lương của một số công chức ngay nơi tôi đang thăm viếng ở Cairo. Dĩ nhiên hôm ấy chỉ có vài chục người chứ không phải là vài trăm ngàn người như những ngày vừa qua ở Quảng trường Tahrir. Họ cũng chỉ dám đòi lên lương chứ không phải kêu gọi tổng thống phải từ chức. Thế nhưng lúc ấy – 10 năm trước – họ đã được phép thể hiện quyền tự do có giới hạn của họ.

Và dĩ nhiên tôi cũng đồng ý là trong suốt 30 năm vừa qua người dân Ai Cập chưa bao giờ thật sự được chọn người lãnh đạo đất nước (mặc dù lúc nào cũng có bầu cử và lần nào Mubarak cũng thắng với số phiếu cao!). Nhưng nếu so với Việt Nam thì sự tự do mà họ có vẫn còn hơn rất nhiều.

Thế vậy mà họ vẫn nghĩ là chưa đủ. Và tay trong tay, từ những người thất nghiệp cho đến thầy cô giáo, công chức, giới tiểu thương, và đặc biệt là các sinh viên, trí thức trẻ, họ đã đồng tâm hiệp lực cùng nhau tranh đấu cho đến ngày hôm nay, một ngày mà họ cho là họ rất “hãnh diện là người Ai Cập”.

Vậy còn chúng ta thì sao? Đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ hay không mà sao không thấy ai như Wael Ghonim? Tuổi trẻ Việt Nam đâu? Đến khi nào thì chúng ta mới thật sự hãnh diện để nói lên câu mà ai trong chúng ta cũng đều rất muốn nói:

Tôi hãnh diện làm người Việt Nam.

Bạn có hãnh diện không?

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG