Đường dẫn truy cập

Thôn dã


Công Viên Quốc Gia Wilsons Promontory
Công Viên Quốc Gia Wilsons Promontory

Trong hai tuần vừa qua có lẽ ai cũng nghe tin nước Úc bị ngập lụt, hàng ngàn hàng vạn người phải di tản. Trước là ở tiểu bang Queensland, nằm ở miền bắc nước Úc. Sau là ở ngay tại tiểu bang Victoria nơi gia đình tôi đang cư ngụ. Nghe nói đâu ở Queensland có rất nhiều gia đình người Việt bị ảnh hưởng nặng nề nhưng lại không được bảo hiểm bồi thường vì họ chỉ trả tiền nếu như nhà bị giông bão làm hư hại, chứ không phải do lụt lội.

Còn nhớ cách đây mấy năm lúc tôi đến tiểu bang Mississippi để làm phóng sự về trận bão lụt Katrina cho đài SBTN. Những gia đình người Việt ở đó họ cũng bảo tôi thế. Họ đâu có ngờ là bão lớn tạo nên những cơn sóng từ biển đánh vào gây ra cảnh lụt lội. Thế nhưng nghiệt thay họ lại không được bồi thường mặc dù năm nào cũng ráng để dành tiền mua bảo hiểm.

Oái ăm là vậy. Bởi thế tôi nghĩ trước khi ký tên vào bất kỳ hợp đồng mua bảo hiểm nào chúng ta nên cẩn thận đọc kỹ những điều kiện và lợi ích được đưa ra. Vì suy cho cùng tôi thấy các công ty bảo hiểm họ…ma lanh lắm. Họ biết cách dùng và chịu trả tiền cho luật sư để viết ra những bản hợp đồng chỉ có lợi cho họ. Mà nói đến luật sư thì các bạn ai cũng biết cả rồi. Cái gì họ cũng nói được!

Nhưng mà thôi. Để hôm khác chúng ta bàn về đề tài luật sư và sự… nhạy bén của họ. Riêng hôm nay, như đầu đề, tôi muốn nói về thôn quê ở Úc, về những “vùng sâu, vùng xa” (nói theo kiểu bây giờ ở Việt Nam) và quan trọng hơn, những gì tôi cảm nhận được về người dân ở đó.

Số là trong những ngày nghỉ đầu năm tôi và gia đình đã có dịp lái xe đến một vùng thôn quê ở cực nam nước Úc có tên là Wilson Promotory để nghỉ mát với bạn bè. Một trong những thằng bạn thân người Úc của tôi có nhà nghỉ ở đó. Đây không những là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất ở Victoria với hàng chục, hàng trăm bãi biển cát trắng trải dài khắp cả khu công viên quốc gia có cùng tên mà hơn thế nữa, dọc theo hai bên đường từ Melbourne, bạn sẽ thấy đây đó rải rác những xóm làng, cái nằm trên đồi cao, có cái nằm ngay hai bên đường, cũ kỹ, vắng lặng. Có một điều gì đó rất yên tĩnh, rất thoáng mát mỗi khi tôi có dịp đến những khu làng này.

Đây là vài chú cừu non, hai ba con ngựa già đang chậm rãi gặm cỏ trên những ngọn đồi đầy mướt cỏ xanh cái cao, cái thấp. Xa xa là những ngôi nhà nhỏ được xây ngay trên đỉnh đồi. Đưa tay quay cửa xe xuống để từng cơn gió mát lùa vào. Mũi hít vào không khí trong lành của một buổi sáng tươi đẹp bừng ánh nắng. Cũng lâu lắm rồi tôi mới có dịp lái xe về vùng thôn quê ở Úc. Nó không nóng hừng hực như ở châu Á, cũng không khô cằn, hoang sơ như những vùng quê nghèo ở châu Phi mà năm ngoái tôi đã đặt chân đến.

Nhưng điều mà làm cho tôi nhớ nhất trong chuyến đi này không phải là cảnh trí hai bên đường. Hay thời tiết ôn hòa của một buổi sáng mùa hè đầy hoa thơm, cỏ lạ. Mà tôi nhớ vì trong một dịp rất tình cờ tôi đã gặp và cảm nhận được tấm lòng của những người ở thôn quê.

Thật ra hôm đó tôi chỉ định ở lại chơi với gia đình thằng bạn tôi đến chiều thì lái xe về lại Melbourne vì trong những ngày nghỉ lễ cuối năm rất khó để tìm được motel hay hotel nghỉ qua đêm nếu không có book trước. Tôi định như thế.

Nhưng phần ham vui, trong lúc nghỉ holiday tính tôi lại không thích lo, kiểu để “tới đâu hay tới đó” nên quay qua quay lại gần 10 giờ đêm hôm đó tôi mới rục rịch cho thằng Trịnh Phi vào ghế ngủ bỏ lên xe lái về.
Đường làng vào những ngày thường đã vắng, đến những đêm đầu năm lại càng vắng hơn. Lái xe gần nửa tiếng đồng hồ nhưng tôi chẳng thấy có một chiếc xe nào chạy ngược chiều hay cùng chiều với mình. Trời bên ngoài thì tối đen như mực. Đèn đường lại chẳng có. Báo hại vợ tôi có lẽ vì sinh ra và sống ở Mỹ cả đời nên thấy tối trời cô ta chỉ sợ bị….ăn cướp!

Mặc cho tôi cố giải thích là theo các kết quả nghiên cứu về tội ác cho biết thì tuyệt đại đa số các trường hợp bị bắt cóc, hãm hại đều do chính những người mình quen biết gây ra chứ ít khi nào có trường hợp đang lái xe 100km/giờ bỗng nhiên bị ăn cướp chặn bắt!

Thế vậy mà cô vợ tôi vẫn sợ. Và vì vợ muốn = trời muốn nên tôi buộc phải ghé vào một quán pub trên đường nơi duy nhất còn mở cửa trong một ngôi làng để hỏi thăm xem có nơi nào gần đó còn một phòng ngủ cho thuê ở tạm qua đêm hay không.

Và dĩ nhiên câu trả lời là không.

Không còn một giường trống ở làng nói chi đến phòng.

Nhưng các bạn biết sao không? Ngay lập tức người trả lời tôi cũng là bà chủ quán tuổi độ chừng 50 ngoài bảo là tôi đừng quá lo, cứ từ từ gọi điện thoại hỏi vòng vòng xem sao.

Nhưng tôi đâu có biết nơi nào và số điện thoại của họ để gọi? Cái máy điện thoại iphone của tôi ra tới vùng này cũng chẳng còn sóng, không liên lạc được với ai, thì lấy gì để liên lạc? Tôi gãi đầu nghĩ mãi nhưng chẳng ra cách. Ra xe thì sợ bị vợ nhằn. Nhưng đứng lại thì chẳng làm được gì. Rõ khổ.

Có lẽ lúc ấy cái mặt tôi trông cũng thảm thương lắm nên chỉ vài phút sau là bà chủ quán đã quay lại hỏi tôi có cần giúp đỡ gì hay không.
Do you need any help? Bà hỏi.

Yes, I do. Tôi vừa trả lời “I do” vừa thầm nghĩ thôi thì mọi việc mình nên hỏi nhờ bà là tốt nhất. Tôi nói với bà là tôi chẳng biết làm sao để tìm được một phòng ngủ vì điện thoại cầm tay hoàn toàn không thể sử dụng được.

Bà gật đầu tỏ vẻ hiểu biết và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi.

Let me see what I can do. Để xem tôi có thể làm gì cho anh. Bà vừa nhanh miệng trả lời vừa đưa mắt tìm quyển niên giám điện thoại của vùng Wilson Promotory, bỏ mặc những khách hàng trong pub đang đứng chờ mua vài ly để uống tiếp.

Ngạc nhiên thay họ trông cũng rất thoải mái đối với thái độ của bà. Và họ vẫn kiên nhẫn chờ đợi trong khi bà mãi bận đi tìm số điện thoại giúp tôi.
Và sau đó là chính bà gọi điện thoại cho từng motel một hỏi xem có ai còn dư phòng trống hay không.

1. 2. 3. 4. 5.

Đến cái thứ 6 bà mới tìm ra được một phòng còn trống ở một ngôi làng cách đó khoảng độ chừng 1 giờ lái xe trên đường về.

Thế là tốt lắm rồi. Tôi nghe bà nói lại trên điện thoại. Sau đó bà hỏi kỹ thêm về giá cả, lúc nào phải check out, cách nào lái đến đó tốt nhất và luôn tiện reserve ngay cho tôi để khỏi bị hụt mất.

Một tay cầm viết để viết lại cho tôi biết những chi tiết cần thiết. Tay kia cầm điện thoại để tiếp tục nói chuyện với người ở đầu dây bên kia. Đến lúc ấy tôi mới thấy rõ và cảm nhận được sự chân thành và lòng hiếu khách của những người dân ở vùng thôn quê. Ở Việt Nam cũng vậy. Họ không câu nệ như những người ở thành thị, không quá bận rộn với cuộc sống cá nhân và quan trọng hơn, họ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ những ai cần họ giúp đỡ bất kể người ấy là ai, có quen biết hay không hay chỉ là một kẻ qua đường.

Tôi rất thích và trân trọng những hành động tử tế như thế.

Đêm hôm ấy trước khi ngủ trong đầu tôi nghĩ đến hai điều. Đó là thứ nhất tôi đã chứng minh được cho vợ tôi thấy là trên cõi đời này còn rất nhiều người tốt, còn rất nhiều người sẵn sàng giúp đỡ mình hơn là sẵn sàng làm hại mình.

Và thứ hai tôi đã may mắn nhận được một cử chỉ ân cần trong những ngày đầu năm. Chắc chắn đó sẽ là một điềm lành cho cả năm 2011 vừa đến.

* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG