Trung Quốc chỉ trích báo Mỹ về bài xã luận thân Nhật

Tàu của cảnh sát biển Nhật Bản tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Dãy đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc

  • Người Nhật gọi Senkaku, người Trung Quốc gọi Điếu Ngư.

  • Gồm 8 đảo không người ở.

  • Nằm trong khu vực có nhiều dầu khí và thủy sản phong phú.

  • Diện tích đất tổng cộng của 8 đảo là 6 kilomet vuông.
Trung Quốc chỉ trích một tờ báo lớn của Mỹ vì đã đăng một bài xã luận hối thúc Washington dành sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Nhật Bản trong cuộc tranh chấp với Bắc Kinh về lãnh thổ.

Bài xã luận trên tờ Wall Street Journal ra ngày thứ Sáu nói có nhiều phần chắc hơn Trung Quốc sẽ “lùi bước” nếu chính quyền Obama nói rõ hơn rằng những đảo nằm giữa cuộc tranh chấp là thuộc về Nhật Bản.

Bài báo, không nêu rõ tên tác giả, cũng nói “Nhật Bản cần sự ủng hộ của Hoa Kỳ chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc” về những đảo Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Đáp lại, Thông tấn xã nhà nước Trung Quốc ngày hôm nay đăng một bài xã luận cho rằng báo Wall Street Journal hành động như là một “cái loa” của chính phủ Nhật Bản về vấn đề các đảo này.

Bài xã luận của Tân Hoa Xã cáo buộc báo Wall Street Journal theo một lập trường “cực đoan” bất chấp sự kiện mà báo này nói là “tường thuật cân bằng nổi tiếng.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm qua cũng nhắm vào tờ báo Mỹ, yêu cầu “có một lập trường khách quan, không đứng về phiá nào, và đóng một vai trò xây dựng hơn trong việc giúp giảm bớt những căng thẳng.”

Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết đã từ chối không đứng về bên nào về vấn đề chủ quyền các đảo, nhưng công nhận là phải tôn trọng hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Nhật Bản.

Nhật Bản đã sát nhập những đảo nhỏ chiến lược không người ở vào cuối thế kỷ 19. Những đảo này do Hoa Kỳ quản lý từ cuối Thế chiến Thứ hai cho đến khi trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972.

Trung Quốc không công nhận việc chuyển giao Mỹ-Nhật.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này vào năm 1971, cho rằng những bản đồ xưa cho thấy quần đảo thuộc lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.

Vấn đề chủ quyền của nhóm đảo trở nên sôi nổi hơn với việc khám phá ra dầu mỏ và những nguồn lợi thiên nhiên khác trong vùng, một trong những thuỷ lộ nhiều tàu bè qua lại nhất trên thế giới.

Cuộc tranh chấp biển đảo làm cho quan hệ Tokyo-Bắc Kinh căn thẳng nghiêm trọng trong những tháng gần đây, đặc biệt sau khi chính phủ Nhật Bản năm ngoái mua một số đảo từ tay một tư nhân nước này.

Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên gửi các toán tuần tiễu trên không và trên biển gần những đảo tại Biển Đông Trung Quốc mà nhiều người cho rằng là một mưu toan thách thức chính quyền Nhật Bản trong khu vực.