Đường dẫn truy cập

Nhật Bản định sửa đổi hiến pháp chủ hòa, Trung Quốc nổi giận


Các thành viên của phong trào dân tộc 'Ganbare Nippon' diễu hành với quốc kỳ Nhật Bản gần đền thờ Yasukuni ở Tokyo, tháng 9/2013.
Các thành viên của phong trào dân tộc 'Ganbare Nippon' diễu hành với quốc kỳ Nhật Bản gần đền thờ Yasukuni ở Tokyo, tháng 9/2013.
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ dự trù cho phép lực lượng tự vệ nắm giữ một vai trò lớn hơn trong nền an ninh toàn cầu. Hiện nay, hiến pháp chủ hòa của Nhật, được soạn thảo dưới sự giám sát của Mỹ sau thế chiến thứ hai, chỉ cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của nước này cho những mục tiêu phòng thủ để bảo vệ an ninh quốc gia. Các kế hoạch của Nhật đã gây ra sự tức giận ở Trung Quốc, là nước đang có một vụ tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản. Từ Tokyo, thông tín viên Henry Ridgewell của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Hơn 100 nhà lập pháp Nhật hôm thứ 6 tuần trước đã đến thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo, là nơi thờ phượng hơn 2 triệu liệt sĩ Nhật, trong đó có những người phạm tội ác chiến tranh.

Chuyến viếng thăm đó đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu như sau.

"Chúng tôi, một lần nữa, nghiêm túc hối thúc Nhật Bản tuân thủ một cách nghiêm chỉnh những cam kết về sự phản tỉnh sâu sắc đối với lịch sử và thông qua những hành động thực tế để có được sự tin tưởng của các nước láng giềng ở Á châu và của cộng đồng quốc tế."

Những mối căng thẳng này đã xuất hiện trong lúc Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp với nhau về vấn đề chủ quyền của những hòn đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp quốc hội Nhật Bản hồi tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết an ninh quốc gia là một trọng tâm chính của những nỗ lực cải cách chính sách.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng nước ông không thể làm ngơ trước tình hình an ninh khu vực đang mỗi ngày một khắc nghiệt hơn và vì vậy ông sẽ áp dụng những chính sách an ninh và ngoại giao có tính chất thực tế.

Nhật Bản đã phát triển điều mà họ gọi là “lực lượng tự vệ”, nhưng an ninh tổng thể của nước này vẫn lệ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.

Ông Hideaki Kase, một nhân vật nổi tiếng của phe dân tộc chủ nghĩa ở Nhật, nói rằng sự lệ thuộc đó bây giờ đã lỗi thời.

"Chúng tôi đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cô lập ở Mỹ. Vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục đặt sự tin tưởng 100% vào việc nước Mỹ sẵn lòng bảo vệ chúng tôi."

Ông Shinichi Kitaoka, cựu Đại sứ Nhật tại Liên hiệp quốc, là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Abe. Ông cho biết so với Hoa Kỳ, sức mạnh tương đối của quân đội Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng.

"Không phải chỉ có sự gia tăng nhanh chóng của ngân sách quốc phòng mà thôi. Những hành động của họ có đôi lúc mang tính chất bất thường và theo nhận định của chúng tôi, họ muốn dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng. Đó là một việc hết sức nguy hiểm."

Các chiến hạm của Nhật đang được bố trí ở ngoài khơi Somalia để tiến hành những hoạt động chống cướp biển. Nhưng hiến pháp Nhật không cho phép các lực lượng của họ đến giúp các chiếc tàu của những nước đồng minh trong trường hợp các tàu đó bị tấn công.

Cố vấn Kitaoka cho rằng Nhật Bản phải giải thích lại hiến pháp để loại bỏ sự cấm đoán mà họ tự áp đặt đối với quyền tự vệ tập thể.

"Nếu chúng tôi phải ứng phó với tất cả những mối đe dọa chỉ bằng sức mạnh của chính mình, thì có lẽ chúng tôi phải có một quân đội lớn. Vì thế cho nên, quyền tự vệ tập thể chẳng những là không nguy hiểm mà còn là một cách thức an toàn hơn để duy trì hòa bình."

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng hồi gần đây cho thấy chỉ có phân nửa cử tri Nhật Bản muốn sửa đổi bản hiến pháp chủ hoà, trong lúc có tới 90% các nhà lập pháp muốn sửa đổi.

Bà Takako Tsuchida, một cư dân ở Tokyo, cho biết bà phản đối việc sửa đổi hiến pháp.

"Tôi chống đối chiến tranh 100%. Nếu sửa đổi hiến pháp, tôi e rằng chiến tranh có thể sẽ lại xảy ra. Vì vậy tôi chống lại việc sửa đổi hiến pháp."

Thủ tướng Abe nhất mực cho rằng việc để cho Nhật Bản nắm giữ một vai trò lớn hơn trong lãnh vực an ninh toàn cầu sẽ có ích cho nền hòa bình của khu vực Á châu Thái bình dương. Nhưng các nước láng giềng của Nhật vẫn tiếp tục lo ngại là Tokyo vẫn chưa học được những bài học của quá khứ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG