Thượng viện Rwanda nhất trí thông qua việc sửa đổi hiến pháp hôm thứ Ba để cho phép Tổng thống Paul Kagame tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Vấn đề này dự kiến sẽ được ra cho công chúng biểu quyết toàn quốc và theo dự báo là sẽ được thông qua dễ dàng.
Một nhà lập pháp Rwanda nói rằng ông Kagame xứng đáng được trao cho thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa.
Bà Margaret Nyagahurah hôm thứ Tư nói với đài VOA rằng cuộc biểu quyết của quốc hội nói lên ước nguyện của 3,6 triệu cử tri hợp lệ Rwanda đã thỉnh cầu các đại diện lập pháp của họ thay đổi hiến pháp cho phép ông Kagame ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Bà nói Rwanda trải qua một thời kỳ khó khăn trong lịch sử gần đây nhất và không thể thử nghiệm với các nhà lãnh đạo mới.
"Tôi không tin là nhân dân Rwanda chịu thử vận mệnh bằng một ai đó lãnh đạo đất nước trong tương lai gần nhất," bà Nyagahurah nói.
Nhà lập pháp này nói rằng người dân Rwanda muốn Tổng thống Kagame tiếp tục lãnh đạo cho đến khi nào họ an tâm là đất nước không rơi trở lại vào những ngày đen tối của diệt chủng và xáo trộn.
Theo luật hiện hành, ông Kagame phải thôi chức vào cuối năm 2017. Nhưng nếu ông được phép ra tranh cử tiếp, ông sẽ có thể đắc cử nhiệm kỳ 7 năm lần thứ ba, và sau đó được ra tranh cử thêm hai nhiệm kỳ 5 năm nữa. Có nghĩa là ông Kagame có thể làm tổng thống cho đến năm 2034.
Đảng Dân chủ Xanh đối lập của Rwanda nói rằng sửa đổi hiến pháp là một thách thức đối với "an ninh và hòa bình bền vững."
Rwanda là một trong những đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ở Phi châu, nhưng Washington tin rằng ông Kagame không nên bám giữ quyền lực sau thời hạn như quy định hiện hành.
Người phát ngôn Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba nói: "Chúng tôi hy vọng ông Kagame sẽ giữ những cam kết ông đã hứa để cổ vũ cho thế hệ lãnh đạo mới tại Rwanda, và ông sẽ thôi chức khi hết nhiệm kỳ vào năm 2017."
Phát ngôn viên Toner không nói những bước kế tiếp mà Mỹ sẽ tính đến nếu ông Kagame tìm cách bám giữ chức quyền. Ý đồ kéo dài quyền lực của một số lãnh đạo của các nước châu Phi khác, như Burkina Faso, Burundi và Senegal, đã dẫn đến bạo động.
Ông Kagame, 58 tuổi, đã cai trị Rwanda kể từ khi quân đội của ông ngăn chặn nạn diệt chủng năm 1994 và lật đổ chế độ cai trị cực đoan của ông Hutu.
Mặc dù ông Kagame nhìn chung được sự ủng hộ của công chúng trong nước, những người chỉ trích lên án ông vi phạm tự do ngôn luận và không dung chấp ý kiến bất đồng.