Hoạt động xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông đã gây lo ngại cho nhiều nước trên thế giới về những yêu sách chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh. Philippines đang thách thức những yêu sách đó trước một toà án quốc tế ở La Haye và giới hữu trách ở Manila cũng tố cáo là Trung Quốc đã gây thiệt hại rất nhiều cho việc mưu sinh của ngư dân Philippines. Từ thị trấn Masinloc của Philippines ven bờ Biển Đông, thông tín viên Simone Orendain của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Ông Junick Josol, một ngư phủ ở Masinloc, cho biết hiện nay ông chỉ đánh cá trong vùng biển cách bờ khoảng 20 kilomét và chỉ bắt được những loại cá nhỏ để mang ra chợ bán, chỉ đủ để kiếm sống qua ngày.
Ông nói rằng trước đây ông kiếm được nhiều tiền hơn khi ông tới khu vực quanh Bãi cạn Scarborough, nằm xa hơn về phía tây, để bắt những loại cá lớn, như cá ngừ và cá mú.
"Chúng tôi vẫn muốn tới đánh cá ở đó nếu chúng tôi không bị người Trung Quốc xua đuổi. Dĩ nhiên là điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho gia đình chúng tôi. Những gì mà chúng tôi từng kiếm được ở đó bây giờ không còn nữa.
Thu nhập của ông Josol đã giảm xuống mức chỉ bằng một phần ba thu nhập lúc trước, vì những hoạt động tuần tra thường xuyên của tàu hải giám Trung Quốc đã gia tăng cùng lúc với những hoạt động xây đảo nhân tạo trong vùng biển có tranh chấp.
Những khó khăn tài chánh của ông Josol và những ngư dân khác ở Philippines là một phần của những luận cứ mà Philippines đưa ra trước toà án quốc tế để phản đối đường 9 đoạn, thường được gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc tự tiện vạch ra để đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.
Ông Jay Batongbacal, giáo sư môn Luật biển quốc tế của Đại học Philippines, cho biết dân chúng nước ông có lý do để lạc quan.
"Tôi nghĩ rằng Philippines có một cơ sở rất vững mạnh liên quan tới các vấn đề về tính chất hợp pháp của đường 9 đoạn và những khía cạnh kỹ thuật của vụ kiện, như những hòn đảo nhỏ chỉ lộ ra khi thuỷ triều rút xuống có quyền có lãnh hải hay không."
Theo dự liệu, toà án ở La Haye sẽ loan báo phán quyết vào năm tới. Và từ nay cho tới khi đó, các ngư dân Philippines, như ông Junick Josol, phải tiếp tục lựa chọn giữa hai việc: một là đánh bắt gần bờ hơn, kiếm được ít tiền hơn; và hai là đánh bắt xa bờ để kiếm nhiều tiền hơn, nhưng có thể phải đối đầu với tàu thuyền của chính phủ Trung Quốc.