EU nỗ lực ổn định kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu kéo dài 2 ngày kết thúc vào thứ Sáu, 25/3/2011, tại Brussels

Trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày kết thúc vào thứ Sáu tại Brussels, các lãnh đạo Liên minh châu Âu đã thương thảo về các vấn đề nợ nần, cuộc khủng hoảng tại Nhật và tình hình bạo động tại Libya.

Các lãnh đạo EU đã đồng ý củng cố và nới rộng một quỹ cứu nguy dành cho các nước sử dụng đồng euro đang vất vả với nợ nần.

Vấn đề nợ nần tuần này trở nên khẩn trương hơn vì có khủng hoảng chính trị tại Bồ Đào Nha. Thủ tướng Jose Socrates đã từ nhiệm hôm thứ Tư sau khi quốc hội bác bỏ chương trình cắt giảm chi tiêu của ông nhằm làm nhẹ bớt gánh nặng cho quốc gia.

Rắc rối kể trên có nghĩa là Bồ Đào Nha sẽ khó khăn hơn khi muốn thay đổi tình trạng tài chánh của những nợ cũ và mượn tiền để tài trợ các dự án mới.

Hai cơ quan mới đây đã cắt hạng bậc tín dụng của Bồ Đào Nha, gia tăng khả năng là nước này sẽ cần các nước EU khác cung ứng một ngân khoản cứu nguy.

Hồi năm ngoái cũng chính các vấn đề nợ nần đã làm các nước EU phải cung ứng một gói viện trợ đầy tranh cãi gồm những khoản vay khẩn cấp cho Hy Lạp và Ireland.

Trước tình hình vấn đề hạt nhân tại Nhật Bản, các lãnh đạo EU cũng đồng thuận thử nghiệm mức độ an toàn của nhiều lò phản ứng hạt nhân tại châu Âu.

Ngoài ra, EU còn bàn thảo việc có thể cung ứng một thoả thuận mậu dịch tự do cho Nhật để hỗ trợ nền kinh tế của nước này, trong lúc họ đang phải đương đầu với các hệ quả vừa qua.

Mặt khác, các lãnh đạo EU cũng nhất trí đặt thêm biện pháp chế tài chống chính phủ Libya và cung ứng thêm viện trợ nhân đạo cho quốc gia Bắc Phi này, nếu cần.