'Đồng nguyên tăng giá nhanh có thể gây trì trệ cho việc phục hồi kinh tế toàn cầu'

Giới chỉ trích nói rằng chính phủ Trung Quốc cố ý giữ giá đồng nguyên ở mức thấp hơn trị giá thực để bảo vệ các công nghiệp xuất khẩu của họ.

Người đứng đầu hội nghị về thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc tuyên bố làm áp lực đòi Trung Quốc định giá lại chỉ tệ của họ có thể gây trì trệ cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Ông Supachai Panitchpakdii, tổng thư ký hội nghị về thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc, hôm nay tuyên bố áp lực quốc tế đòi Trung Quốc định giá lại chỉ tệ của họ có thể mang lại phản tác dụng.

Trung Quốc bị đặt trước áp lực của Hoa Kỳ, châu Âu và châu Á đòi để cho đồng nguyên tăng giá. Giới chỉ trích nói rằng chính phủ Trung Quốc cố ý giữ giá đồng nguyên ở mức thấp hơn trị giá thực để bảo vệ các công nghiệp xuất khẩu của họ.

Ông Supachai nói rằng đòi đồng nguyên, còn gọi là nhân dân tệ, tăng giá mau chóng có thể gây rối loạn trong các thị trường, và gây trì trệ cả tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lẫn sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

“Nếu nói rằng chúng ta ép buộc các chỉ tệ tăng giá 20 phần trăm – mà không có sự kiểm soát về đầu cơ – thì điều đó chỉ phá hoại toàn bộ thị trường – nếu sự kiện này xảy ra thì nó sẽ kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và phá hoại toàn bộ sự phục hồi trên toàn cầu. Vì vậy mà không phải chỉ là vấn đề đồng nhân dân tệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nó có liên quan đến tăng trưởng toàn cầu.”

Ông Supachai đang dự một hội nghị đánh dấu 50 năm ngày thành lập hãng hàng không quốc gia Thai Airways International. Ông nói các chỉ tệ trong khu vực sẽ tiếp tục mạnh.

Đó là bởi vì vốn nước ngoài đang đổ vào và tận dụng nền kinh tế lành mạnh trong khu vực.

“Luồng ngân khoản đổ vào châu Á vẫn đang gia tăng với mức độ khủng khiếp, và sẽ không giảm đi một cách mau chóng. Vì thế cán cân chi phó sẽ nghiêng về phía thặng dư ở châu Á – với lượng trữ kim tên 5 ngàn tỷ đôla. Tất cả đều chỉ về phía các cơ sở mạnh, mà trên thực tế sẽ đưa đến các chỉ tệ mạnh. Đó là xu thế chung vào thời điểm này.”

Ở khắp châu Á, các công nghiệp xuất khẩu đã vận động đòi các chính phủ có biện pháp hạ giá chỉ tệ.

Ông Supachai nói một mối quan ngại ở châu Á sẽ là những thay đổi đột ngột về sự lưu chuyển tiền tệ, có thể châm ngòi cho tình trạng bất ổn thị trường. Nhưng ông cũng kêu gọi châu Á bớt lệ thuộc vào xuất khẩu. Theo ông, cần phải chú trọng hơn đến tiêu thụ nội địa và lương hướng phù hợp với lợi nhuận sản xuất.

Các nhận định của ông Supachai được đưa ra vào lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm nay chỉ trích Hoa Kỳ về việc đòi tăng giá đồng nguyên. Các nhà lãnh đạo này nói không nên bắt Trung Quốc phải giơ đầu chịu báng cho các vấn đề kinh tế của Hoa Kỳ.