Đường dẫn truy cập

Xe điện - ẩn họa khi thiếu cảnh báo rủi ro và chuẩn bị ứng phó


Một hình ảnh hiện trường sau vụ cháy xảy ra hôm 24 tháng Năm khiến 14 người chết tại Hà Nội.
Một hình ảnh hiện trường sau vụ cháy xảy ra hôm 24 tháng Năm khiến 14 người chết tại Hà Nội.

Ít nhất đã có 14 người thiệt mạng khi một căn nhà ba tầng được dùng vào việc cho thuê chỗ trọ tọa lạc ở Ngõ 119 Trung Kính, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội phát hỏa vào lúc rạng sáng 24/5/2024. Một trong sáu người sống sót kể rằng trước khi lửa bùng lên, ông ta nghe thấy vài tiếng nổ lớn. Do lửa lan nhanh và mạnh, ông ta và vợ quyết định không chạy ra ngoài mà dùng nhiều lớp vải thấm nước để che mũi, miệng rồi ngồi chờ lực lượng cứu nạn. Nạn nhân may mắn còn sống cho biết thêm, tầng trệt của căn nhà được dùng vào việc cho thuê vừa bị cháy có một cửa hiệu sửa chữa xe đạp điện [1]...

Tuy giới hữu trách chưa xác định nguyên nhân hỏa hoạn nhưng không thể hoàn toàn loại trừ nguyên nhân liên quan đến xe đạp điện. Khi phát cháy, những loại xe sử dụng điện thay thế nhiên liệu thường phát ra tiếng nổ, ngọn lửa lớn tỏa nhiệt lượng rất cao và lan nhanh. Cách nay khoảng hai tuần, nhiều người Việt đã được xem các video clip ghi lại cảnh bãi chứa 43 chiếc xe điện dùng vào việc vận chuyển khách du lịch của một doanh nghiệp hoạt động tại Hội An bốc cháy [2]. Lực lượng cứu hỏa hoàn toàn bất lực trước biển lửa và toàn bộ số xe trong bãi đã cháy rụi…

***

Xe điện đã trở thành phương tiện có xu hướng phổ biến toàn cầu song khác với Việt Nam, bên cạnh việc khuyến khích phát triển, sử dụng các loại xe dùng điện, chính quyền nhiều quốc gia đã cũng như đang liên tục cảnh báo về rủi ro hỏa hoạn, hướng dẫn công chúng bảo vệ cả an toàn cá nhân lẫn an toàn công cộng khi sử dụng xe điện, đồng thời tổ chức tái huấn luyện – tái trang bị cho lực lượng cứu hỏa để ứng phó với việc xe điện hoặc các loại xe sử dụng vừa nhiên liệu, vừa điện (hybrid) khi chúng phát cháy.

Nếu dùng “electric vehicle safety” làm từ khóa để tìm thông tin trên Internet sẽ thấy vô số hướng dẫn từ rất nhiều cơ quan công quyền thuộc đủ mọi ngành, ở đủ mọi cấp và các tổ chức dân sự, các doanh nghiệp tư nhân,... về những điều nên và không nên làm khi sử dụng xe điện. Chẳng hạn, vì an toàn cá nhân và an toàn công cộng được xem như một trong những mục tiêu tối thượng, Bộ Năng lượng Mỹ đã tập hợp và giới thiệu hàng loạt nguồn cung cấp thông tin cho những cá nhân làm công việc ứng phó khẩn cấp để nâng cao kiến thức về quản lý an toàn và giải quyết rủi ro liên quan đến xe điện [3].

Riêng tại Mỹ, trong vài năm gần đây, truyền thông cũng dành sự quan tâm thích đáng cho vấn đề này thông qua tường thuật về các cuộc thảo luận, giới thiệu những ý kiến liên quan đến sự an toàn của xe điện, mời các viên chức hữu trách, đặc biệt là những cá nhân chịu trách nhiệm ứng phó tức thời khi xảy ra thảm họa hướng dẫn công chúng kiến thức, kỹ năng cần thiết khi đối diện với xe điện cháy. Theo thống kê, tỷ lệ xe điện phát hỏa chỉ ở mức 25,1 vụ cháy/100.000, thấp hơn xe dùng xăng (1.529,9 vụ cháy/100.000 xe) và xe hybrid (3.474,5 vụ cháy/100.000 xe) song xe điện có một số điểm phải chú ý.

Ông Bill O’Connor – Chuyên viên cao cấp của Hiệp hội Cứu hỏa Mỹ (NFPA) lưu ý, số liệu thống kê về xe điện phát hỏa có thể thay đổi khi số lượng xe điện cũ tăng lên. Khi xe điện phát cháy, lượng nước để dập lửa rất lớn, chỉ cần khoảng 1800 – 3.600 lít nước để dập một vụ cháy xe xăng nhưng muốn dập một vụ cháy xe điện phải dùng hơn 170.000 lít nước. Đó cũng là lý do trong một số trường hợp, lực lượng cứu hỏa để xe điện cháy rụi nhưng không thể làm điều này nên xe điện phát cháy ở những nơi đông dân cư, hoặc nhiều cơ sở cần bảo vệ (nhà cửa, trường học, trung tâm thương mại,...).

Cũng theo ông O’Connor, chữa cháy xe điện phức tạp còn vì thiết kế các loại xe điện khác nhau, khi đến hiện trường, điều đầu tiên lực lượng cứu hỏa phải làm là ngăn chặn pin điện phát cháy nhưng mỗi hãng lại đặt pin điện ở những vị trí khác nhau. Công việc chữa cháy xe điện không ngưng khi lửa đã tắt vì pin xe điện có thể phát hỏa trở lại trong vài phút, trong vài giờ, thậm chí là vài ngày sau hỏa hoạn... Cũng vì vậy, khi xe điện đã có mặt ở khắp nơi, ngoài việc cảnh báo công chúng, phải tái huấn luyện và tái trang bị cho lực lượng cứu hỏa.

Các hãng sản xuất xe hơi trên thế giới đã và đang hợp tác tham gia vào một trang web để lực lượng ứng cứu có thể tức thời tra cứu những thông tin cần thiết, như tháo gỡ pin xe điện thế nào, bảo quản ra sao (https://oem1stop.com). Cơ quan An ninh Năng lượng Mỹ (Energy Security Agency - ESA) cũng thiết lập một trung tâm, cung cấp thông tin 24/7 nhằm hỗ trợ lực lượng ứng cứu tức thời cách xử lý xe điện và xe hybrid cháy sao cho đúng cách (vừa dập được lửa, vừa không làm xe hư hại nặng hơn để sau đó có thể sửa chữa, phục hồi). Một số tiểu bang như Montana đã thảo luận về việc dành công quỹ cung cấp phương tiện hỗ trợ chữa cháy xe điện như mua các loại mền dập lửa dùng một lần (giá lúc này khoảng 1.550 Mỹ kim/tấm) hoặc mền dập lửa dùng nhiều lần (giá lúc này khoảng 2.600 Mỹ kim/tấm). Các Thượng nghị sĩ của Thượng viện bang Montana cũng đã bắt đầu thảo luận về việc buộc dán một loại nhãn lên bảng kiểm soát xe để cung cấp thông tin hỗ trợ lực lượng ứng phó tức thời. NPRA – nơi O’Connor làm việc thì đang tiếp tục thực hiện những nghiên cứu về việc chữa các vụ cháy xe điện sao cho hiệu quả và bớt tốn kém vì tài nguyên của lực lượng cứu hỏa, kể cả nhân lực không phải vô hạn [4].

Tháng ba vừa qua, cơ quan quản trị giao thông của tiểu bang Wisconsin đã gửi đến tư gia của những người đang sử dụng xe điện và xe hybrid một nhãn, yêu cầu họ dán nhãn ấy lên góc trên bên phải biển kiểm soát xe để lực lượng cứu hỏa trong tiểu bang dễ dàng xác định đang chữa cháy cho loại xe nào vì cách thức chữa cháy hai loại xe có những khác biệt. Vào thời điểm đó, một đài truyền hình địa phương đã mời Chỉ huy trưởng lực lượng cứu hỏa khu vực Appleton giải thích với khán giả về nguy cơ khiến xe điện phát cháy ngay cả khi chưa thấy lửa [5].

***

Dẫu xe điện cũng càng ngày càng nhiều song dường như Việt Nam chưa làm gì và cũng chưa nghĩ đến việc cần phải làm gì để bảo vệ an toàn cá nhân và an toàn công cộng.

Chú thích

[1] https://tuoitre.vn/nhan-chung-vu-chay-lam-14-nguoi-tu-vong-o-ha-noi-sau-tieng-no-ngon-lua-lan-ra-rat-nhanh-20240524074141487.htm

[2] https://tuoitre.vn/dan-xe-dien-o-hoi-an-bi-chay-la-xe-chay-bang-pin-kho-20240508111259668.htm

[3] https://afdc.energy.gov/vehicles/electric-responders

[4] https://www.repairerdrivennews.com/2024/02/06/nfpa-firefighters-need-training-and-tools-as-more-evs-bring-risk-of-ev-fires/

[5] https://www.wbay.com/2024/02/29/electric-vehicles-require-different-approaches-crashes-fires/

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG