Đường dẫn truy cập

Ðề tài chính tại hội nghị IMF: Khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp


Các giới chức kinh tế thế giới đang dồn nỗ lực để đề ra một kế hoạch cứu nguy cho Hy Lạp, trong khi cuộc khủng hoảng nợ của nước này đang bao trùm bầu không khí của hội nghị quy tụ các Bộ trưởng Tài Chính các nước ở thủ đô Washington hôm thứ Bảy. Tại các buổi họp này, giới lãnh đạo tài chính quốc tế nhấn mạnh rằng nền kinh tế thế giới đang hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, họ cam kết sẽ đề ra biện pháp đối phó với nguy cơ đối với tiến trình hồi phục, là các món nợ quốc gia quá cao.

Hôm thứ Bảy, Bộ trưởng Tài Chính Hy Lạp George Papaconstantinou đã gặp nhiều nhà lãnh đạo tài chính thế giới bên lề các buổi họp mùa Xuân của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington.

Ngoài các cuộc tiếp xúc với người đứng đầu Quỹ tiền tệ Quốc tế và các giới chức kinh tế cấp cao của Châu Âu, ông Papaconstantinou còn họp bàn với Bộ trưởng Tài chính Hoa kỳ Timothy Geithner.

Trong một tuyên bố sau buổi họp, ông Geithner kêu gọi Hy Lạp, IMF và các giới chức Châu Âu hãy nhanh chóng hành động để đề ra một kế hoạch trọn gói bao gồm các biện pháp cải cách cụ thể để hỗ trợ Hy Lạp.

Hy Lạp đang vận động để được cấp các khoản vay lên tới 40 tỉ đôla từ các nước Châu Âu, và một ngân khoản phụ trội trị giá hơn 13 triệu đôla của Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Chính phủ Hy lạp đã đề ra một chương trình kinh tế thắt lưng buộc bụng, gồm các biện pháp như cắt giảm lương của công chức, duy trì tiền hưu trí ở mức hiện tại, và tăng thuế.

Chính phủ Hy Lạp đang đối đầu với áp lực chính trị ngày một tăng, trong khi các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng làm tê liệt mọi sinh hoạt trong nước.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau các buổi họp hôm thứ Bảy, Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn nói với người dân Hy lạp rằng họ không phải lo sợ Quỹ tiền tệ Quốc tế, bởi vì IMF chỉ có mặt để giúp Hy lạp mà thôi.

Ông Strauss-Kahn nói: “IMF có thể được coi như một hợp tác xã, nơi mà tất cả các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau để giúp những nước đang lâm vào tình trạng khó khăn. Ngày nay, Hy lạp gặp khó khăn. Ngày mai, có thể là một nước khác. Vì thế, điều mà IMF làm là đại diện cho toàn thể cộng đồng quốc tế, tìm cách cố vấn và cung cấp các tài nguyên cho những nước lâm vào tình huống khó khăn.”

Hôm thứ Sáu, chính phủ Hy Lạp thừa nhận họ không còn đủ khả năng để thanh toán những món nợ khổng lồ của mình.

Hy Lạp đang vận động để được cấp các ngân khoản khẩn cấp, trước khi phải thanh toán một số nợ phụ trội vào tháng tới.

Giữa lúc giới lãnh đạo tài chính thế giới đang tìm những phương cách để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, thì đồng thời họ cam kết sẽ xử lý nguy cơ đặt ra cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, do các món nợ quốc gia quá cao đặt ra.

Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn nói rằng trong những tháng sắp tới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế sẽ chú trọng đến vấn đề gánh nặng nợ nần quốc gia, và tình trạng thất nghiệp. Ông nói IMF sẽ xem xét nguồn vốn tư bản đổ vào các nền kinh tế mới nổi, và những rủi ro các nguồn vốn tư bản này có thể đưa đến nguy cơ “bong bóng tài chính”.

Ông Strauss-Kahn nói tiếp: “Cho nên giai đoạn đầu tiên này, sau giai đoạn hành động vì sợ hãi, rõ ràng là giai đoạn tái thiết. Xây dựng lại những định chế quốc tế và tìm cách tăng hiệu năng của chúng để có thể ngăn chận những tình huống có nguy cơ đưa đến bất cứ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai – dù chúng ta dĩ nhiên không thể nào hoàn toàn tránh khỏi những rủi ro đó.”

Ông Anoop Singh, Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á-Thái bình dương của IMF, nói rằng Châu Á đang dẫn đầu tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế khu vực đang phát triển trở lại tới mức trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Ông Singh phát biểu: “Đây là lần đầu tiên những đóng góp của Châu Á vào tiến trình hồi phục kinh tế toàn cầu vượt xa những đóng góp của các khu vực khác trên thế giới. Điểm thứ hai mà tôi muốn đề cập đến, là trong khi trong các cuộc suy thoái kinh tế trước đây, chúng ta đã từng chứng kiến Châu Á hồi phục lại nhờ xuất khẩu nói chung, thì lần này, đà hồi phục đã được củng cố bởi nhu cầu nội địa lâu dài.”

Ông Singh nói thêm rằng một trong các nền kinh tế lớn nhất Châu Á, là Trung Quốc, đã thừa nhận nhu cầu cần để cho đơn vị tiền tệ của mình được củng cố mạnh hơn để giúp đẩy mạnh sức tiêu thụ trong lĩnh vực tư.

Trong mấy tuần gần đây, giá trị đồng nguyên của Trung Quốc đã trở thành chủ đề trong các cuộc tranh luận gay gắt. Hoa kỳ và ngày càng nhiều nước khác, kể cả Brazil và Ấn Độ, đều lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh hãy để cho đồng nguyên tăng giá hầu tiếp tay giúp cân bằng tình trạng thiếu quân bình mậu dịch với các nước khác.

Các kinh tế gia lập luận rằng làm như thế có thể giúp tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của các nước tiên tiến và nhiều nước khác, so với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG