Đường dẫn truy cập

Wilma Rudolph, 1940-1994: ‘Người phụ nữ nhanh nhất thế giới’


Tổng thống Kennedy nói chuyện với Wilma Rudolph tại Tòa Bạch Ốc sau khi Rudolph giành được 3 huy chương vàng tại Olympic Rome
Tổng thống Kennedy nói chuyện với Wilma Rudolph tại Tòa Bạch Ốc sau khi Rudolph giành được 3 huy chương vàng tại Olympic Rome

Wilma Rudolph được người hâm mộ gọi là 'hòn ngọc đen,' 'linh dương đen' hay 'người phụ nữ nhanh nhất thế giới.' Nữ vận động viên Mỹ đầu tiên đoạt được 3 huy chương vàng tại một kỳ Olympic năm 1960 này là một tấm gương phấn đấu cho các vận động viên người Mỹ gốc Phi, cho các phụ nữ trên khắp thế giới, và cho bất cứ ai nỗ lực vượt qua các chướng ngại để vươn đến ước mơ.

Ra đời vào năm 1940 tại Saint Bethlehem, bang Tennessee, Wilma Rudolph bị sinh non và chỉ nặng 2 kilôgram. Lúc nhỏ Rudolph bị nhiều chứng bệnh, trong đó có xưng phổi và sốt tinh hồng nhiệt. Tệ hại hơn cả là khi lên 6, Rudolph bị sốt tê liệt, và bị loạn dưỡng cơ ở chân trái, nên phải bắt đầu mang dụng cụ chỉnh hình ở chân.

Rudolph là đứa con thứ 20 trong gia đình người Mỹ gốc Phi có tất cả 22 người con. Do thường xuyên bị bệnh, Rudolph luôn được các anh chị em chăm sóc bảo bọc; họ thay phiên nhau xoa bóp cái chân bị tê liệt của Rudolph mỗi tối, đồng thời canh chừng không cho Rudolph tháo dụng cụ chỉnh hình ra khỏi chân. Mỗi tuần bà mẹ lái xe chở Rudolph đến gặp bác sĩ ở cách nhà 80 cây số để chữa cái chân tê liệt.

Rudolph sau này kể lại: “Bác sĩ nói tôi sẽ không bao giờ bước đi bình thường được nữa. Mẹ tôi thì động viên rằng tôi sẽ bước đi được. Và tôi tin mẹ.”

Tình thương và sự chăm sóc của gia đình không lâu sau đó đã mang lại kết quả. Khi lên 9 tuổi, Rudolph không còn cần đến dụng cụ chỉnh hình nữa. Rudolph rất vui khi có thể chạy nhảy, vui đùa như các bạn đồng lứa. Khi Rudolph lên 11 tuổi, mấy người anh của cô dựng một cái trụ bóng rổ ở sau nhà, và thế là Rudolph bắt đầu chơi bóng rổ mỗi ngày.

Khi lên trung học, Rudolph tham gia đội bóng rổ trường Burt dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên C.C. Gray. Có một trận đấu, Rudolph đã ghi được 49 điểm, phá kỷ lục của bang Tennessee.

Trong số những người lưu ý năng khiếu thể thao của Rudolph có ông Ed Temple, huấn luyện viên điền kinh của trường Đại học bang Tennessee. Ông đã đề nghị huấn luyện viên Gray thành lập đội điền kinh nữ của trường trung học Burt, và từ đó tài năng môn chạy của Rudolph có cơ hội được phát triển.

Wilma Rudolph tham dự Thế vận hội lần đầu tiên khi mới 16 tuổi và còn là học sinh trung học. Tại Olympic Melbourne 1956, Rudolph là vận động viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn thể thao của Mỹ, và cô đã giành được huy chương đồng ở nội dung chạy nước rút tiếp sức.

Năm 1957 Rudolph lên đại học và tham gia đội điền kinh nữ của Đại học Tennessee dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Ed Temple. Ông Temple cống hiến rất nhiều cho việc nâng cao thành tích của các vận động viên điền kinh nữ trong đội của ông. Ông dùng tiền túi để trang trải các chi phí huấn luyện. Ông nổi tiếng là một huấn luyện viên nghiêm khắc, chẳng hạn như vận động viên nào đi trễ sẽ bị phạt chạy một vòng sân cho mỗi phút trễ.

Rudolph tích tực tập luyện và đã đạt được những thành tích cao ở các cuộc tranh tài điền kinh cấp đại học.

Năm 1960, Rudolph lập kỷ lục thế giới nội dung 2.000 mét. Rudolph kể lại: “Tôi tập chạy, chạy và chạy mỗi ngày, và tôi đã đạt được ý chí quyết tâm và không có điều gì có thể khiến tôi bỏ cuộc.”

Cũng trong năm 1960 đó, Wilma Rudolph tham dự Olympic Rome, và đã đoạt 2 huy chương vàng cá nhân ở nội dung 100 mét và 200 mét; lập kỷ lục Olympic mới cho nội dung 200 mét. Rudolph góp công lớn trong việc đoạt chiếc huy chương vàng nội dung 400 mét tiếp sức và lập kỷ lục thế giới mới cho nội dung này. 3 chiếc huy chương vàng đã đưa Rudolph lên thành vận động viên xuất sắc nhất Olympic Rome, và được mọi người gọi là “người phụ nữ nhanh nhất thế giới.”

Rudolph được truyền thông và công chúng chú ý, nhưng vận động viên này không quên đồng đội của mình. Rudolph phát biểu rằng thành tích ấn tượng nhất chính là nội dung tiếp sức bởi vì Rudolph có cơ hội cùng mừng vinh quan chiến thắng với các đồng đội là Martha Hudson, Lucinda Williams và Barbara Jones. Cả 4 nữ vận động viên này đều từ xuất thân từ đội điền kinh của Đại học Tennessee.

Hãng thông tấn AP bình chọn Rudolph là nữ vận động viên xuất sắc nhất trong năm. Rudolph phát biểu: “Cảm giác giành được thắng lợi tràn ngập lòng tôi – 3 chiếc huy chương vàng, tôi tin chắc thành tích đó thật cao quý và không ai có thể lấy mất đi của tôi.”

Wilma Rudolph là một gương sáng cho nhiều người trong cũng như ngoài thế giới thể thao. Rudolph mạnh mẽ ủng hộ phong trào dân quyền – cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen. Trở về từ Olympic Rome, Rudolph nói với Thống đốc bang Tennessee rằng cô chỉ tham dự liên hoan khi người da đen không bị tách biệt với người da trắng. Kết quả là cuộc diễu hành và tiệc mừng chiến thắng dành cho Rudolph là hội hè đầu tiên tại quê nhà Clarksville của Rudolph mà người da đen được tham dự chung với người da trắng.

Sau khi kết thúc sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, Wilma Rudolph hoàn thành chương trình đại học ở Tennessee, tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiểu học và ra làm giáo viên. Rudolph trở lại làm huấn luyện viên cho đội điền kinh trường Trung học Burt; tham gia làm bình luận viên điền kinh cho đài truyền hình quốc gia. Năm 1963 Rudolph lập gia đình với người bạn trai từ thời trung học, anh Robert Eldridge. Họ có 4 đứa con, nhưng sau đó đã ly hôn.

Trong số những những giải thưởng thể thao quan trọng đạt được, Rudolph được bầu chọn là vào Nhóm các vận động viên người da đen xuất sắc nhất, Nhóm các vận động viên xuất sắc nhất của Hoa Kỳ, và Nhóm các vận động viên điền kinh xuất sắc nhất.

Năm 1977, Rudolph viết cuốn tự truyện nhan đề “Wilma,” kể về nhưng khó khăn thời thơ ấu, và những thành công trong sự nghiệp thể thao của mình. Đài truyền hình NBC sau đó đã chuyển thể cuốn tự truyện thành phim truyền hình.

Rudolph nói thành công lớn nhất của bà là việc thành lập Quỹ Rudolph vào năm 1981. Tổ chức này của bà giúp phát triển tài năng vận động viên cho trẻ em ở các cộng đồng địa phương. Rudolph luôn mong muốn giúp các vận động viên trẻ nhận biết được các em có thể thành đạt như thế nào trong cuộc đời.

Bà nói: “Chiến thắng không thể đạt được mà không có nỗ lực phấn đấu. Tôi hiểu rõ thế nào là nỗ lực phấn đấu. Tôi dành cả cuộc đời để chia sẻ ý nghĩa của một phụ nữ đi đầu trong thế giới thể thao để các phụ nữ trẻ có cơ hội đạt đến ước mơ của mình.”

Tấm gương của Rudolph đã tác động tích cực đến nhiều vận động viên, và một trong số đó là vận động viên điều kinh người Mỹ gốc Phi Flrorence Griffith Joyner. Năm 1988, Griffith Joyner trở thành nữ vận động viên thứ hai của Mỹ đoạt 3 huy chương vàng Olympic. Kỳ Thế vận hội kế tiếp, Griffith Joyner đoạt tiếp 3 huy chương vàng nữa, nâng tổng số huy chương vàng Olympic lên thành 6 chiếc.

Rudolph rất hạnh phúc được chứng kiến các nữ vận động viên người Mỹ gốc Phi thành công. Bà nói: “Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được chứng kiến điều đó. Florence Griffith Joyner – mỗi lần cô chạy, tôi chạy theo mỗi bước chạy của cô.”

Wilma Rudolph qua đời vì bệnh ung thư não năm 1994 tại Nahsville, Tennessee, ở tuổi 54. Bà đã ảnh hưởng tích cực đến các vận động viên, đến người Mỹ gốc Phi, và đến phụ nữ trên khắp thế giới. Bà là một tấm gương sáng cho bất cứ ai nỗ lực vượt qua các chướng ngại để vươn đến ước mơ. Đồng đội Bill Mulliken của bà tại Olympic 1960 nói rằng: “Rudolph thật đẹp, thật nhân hậu, và là vận động viên xuất sắc nhất.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG