Đường dẫn truy cập

WHO: 'Việc ứng phó chậm dịch bệnh Ebola nêu bật nhu cầu cải cách'


Tổng giám đốc WHO Margaret Chan thừa rằng cơ quan của bà đã không đáp ứng một cách tích cực điều mà lẽ ra cơ quan này cần làm
Tổng giám đốc WHO Margaret Chan thừa rằng cơ quan của bà đã không đáp ứng một cách tích cực điều mà lẽ ra cơ quan này cần làm

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, thừa nhận đã quá chậm chạp trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng dịch Ebola ở Tây Phi, dẫn đến tình trạng dịch bệnh lan tràn nhanh chóng ngoài tầm kiểm soát. Các chuyên gia y tế khắp nơi trên thế giới đang thảo luận các biện pháp cải cách về cách thức ứng phó của WHO trong các tình huống khẩn cấp về y tế công trên toàn cầu, trong phiên họp về Ebola kéo dài 1 ngày ở Geneve. Thông tín viên Lisa Schlein tường thuật cho đài VOA từ trụ sở WHO.

WHO tiếp tục bị chỉ trích vì đã đáp ứng chậm chập và làm ngơ trước những lời cảnh báo từ các tổ chức, như nhóm Bác Sĩ Không Biên Giới, về tầm quan trọng của sự bộc phát dịch Ebola ở Tây Phi.

Tổng giám đốc WHO Margaret Chan thừa nhận với các đại biểu dự phiên họp đặc biệt về Ebola rằng cơ quan của bà đã không đáp ứng một cách tích cực điều mà lẽ ra cơ quan này cần làm. Bà nói:

“Thế giới, kể cả WHO, đã quá chậm để nhìn thấy sự kiện diễn tiến trước mắt chúng ta. Ebola là một thảm kịch đã dạy cho thế giới, trong đó có WHO, nhiều bài học về cách làm thế nào ngăn ngừa các biến cố tương tự như thế này trong tương lai … Không bao giờ thế giới nên để bị lâm vào tình trạng bất ngờ, không chuẩn bị.”

Theo số liệu của WHO, dịch Ebola đã gây thiệt mạng cho hơn 8.600 người và trên 21.700 người bị lây nhiễm, chính yếu ở các nước Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Virus độc hại này đã lây lan trong 3 tháng mới được chẩn đoán vào cuối tháng 3 năm 2014 ở Guinea. Lúc đó, khu vực Tây Phi đang bị hoành hành bởi trận bộc phát Ebola nghiêm trọng, phức tạp nhất trong lịch sử.

Một y tá ở Sierra Leone cô Rebecca Johnson là người sống sót sau khi bị nhiễm Ebola, hiểu được nổi hải hùng gây ra bởi căn bệnh này. Cô nói việc chữa trị sớm đã cứu mạng sống của cô, và sau 3 tuần cô được cấp giấy chứng nhận là cô đã khỏi bệnh. Cô nói:

“Vậy mà nhiều người đối xử với tôi làm như tôi đang bị bệnh. Tôi bị bêu riếu, và tôi vẫn còn đang bị những người trong cộng đồng của mình bêu riếu trong. Đôi khi tôi đi tìm nơi yên tĩnh để khóc … Lời nhắn gửi cuối cùng của tôi cho những người ngoài đó là: Cho dù không chắc được chữa khỏi Ebola, việc chữa trị sớm là cơ may tốt nhất để sống còn.”

Đặc sứ của Liên hiệp quốc về Ebola, ông David Nabarro nói rằng hệ thống của Liên hiệp quốc phải được chuẩn bị để ứng phó nhanh chóng và phải thông qua các kỹ thuật y tế công cộng cơ bản. Ông cho biết:

“Kinh nghiệm của tôi từ trước đến nay cho tôi thấy rằng để các biện pháp ứng phó có cơ may thành công lớn nhất, chúng phải nhanh chóng, mạnh, và có đường lối chiến lược. Chúng phải đặt căn bản trên các vai trò và trách nhiệm được sắp xếp từ trước và chúng phải sử dụng những hệ thống đã được thiết lập sẵn. Rất khó thiết lập các phương cách làm việc mới từ đầu giữa một tình huống khẩn cấp và chúng ta đã thấy cái giá phải trả, theo tôi nghĩ, trong vụ bộc phát bệnh mới nhất này.”

Bác sĩ Nabarro nói rằng các cộng đồng địa phương phải là trung tâm ứng phó trong tình huống khẩn cấp y tế, các giới hữu trách trong nước đảm trách công tác ứng phó và phối hợp rất thiết yếu đối với các nỗ lực quốc tế nhằm chặn đứng một dịch bệnh.

WHO nói rằng vụ bộc phát dịch Ebola đã nêu bật nhu cầu cần phải xây dựng lại cũng như tăng cường các biện pháp chuẩn bị và ứng phó với tình huống khẩn cấp trên tầm mức quốc gia và quốc tế.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG