Đường dẫn truy cập

Vụ treo cờ Đài Loan: Việt Nam khẳng định tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’


Cờ Đài Loan được thượng lên trong khuôn viên của công ty Kaiser 1 Furniture Industry ở Bình Dương, Việt Nam, trước khi bị hạ xuống theo yêu cầu của chính quyền địa phương. (ảnh chụp màn hình của Central News Agency)
Cờ Đài Loan được thượng lên trong khuôn viên của công ty Kaiser 1 Furniture Industry ở Bình Dương, Việt Nam, trước khi bị hạ xuống theo yêu cầu của chính quyền địa phương. (ảnh chụp màn hình của Central News Agency)

Việt Nam hôm 2/8 nói họ tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’ trước thông tin một công ty Đài Loan ở Bình Dương phải hạ cờ vì áp lực của Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (BNG) Lê Thị Thu Hằng nói với phóng viên tại một buổi họp báo thường kỳ tại Hà Nội rằng “việc một doanh nghiệp của Đài Loan treo cờ như thông tin báo chí đã đưa là hoạt động tự phát của doanh nghiệp này.”

Công ty Kaiser 1 Furniture Industry cho biết đã được phép treo cờ của quốc đảo này để phân biệt với các công ty của Trung Quốc sau khi chịu thiệt hại tới một triệu USD trong các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh bốn năm trước.

“Chính phủ Việt Nam cho phép chúng tôi treo cờ,” người đứng đầu công ty chuyên về nội thất của Đài Loan, Lo Tzu-wen, nói với hãng tin Trung ương Đài Loan CNA.

Công ty này sau đó cho biết đã hạ cờ vì yêu cầu từ phía chính quyền địa phương.

“Chính quyền địa phương đã thực hiện đúng theo chính sách nhất quán của Việt Nam về Đài Loan,” người phát ngôn BNG nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 30/7 nói Bắc Kinh đã đưa vấn đề này ra với phía Việt Nam và yêu cầu “các công ty liên quan sửa chữa những việc làm sai trái,” theo Taiwan News.

Bà Hằng còn cho biết “Việt Nam nhất quán kiên trì chính sách ‘một nước Trung Quốc’ khi trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Đức.

Chính sách này của Trung Quốc được đưa ra vào năm 1972, trong đó chỉ có một Trung Quốc và Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan tất cả đều thuộc Trung Quốc.

Năm 2004, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng lúc đó nói “lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên trì chính sách ‘một Trung Quốc’ và rằng Việt Nam “mong muốn nhân dân Trung Quốc sớm thực hiện được ý nguyện thống nhất đất nước của mình.”

Việt Nam khẳng định lại lập trường này trong chuyến thăm của Chủ tịch Trần Đại Quang tới Trung Quốc vào tháng 5/2017.

Một thông cáo chung được đưa ra sau cuộc gặp của ông Quang với người đồng cấp phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó nói “phía Việt Nam khẳng định rằng họ luôn tôn trọng chính sách ‘một Trung Quốc’, ủng hộ sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ xuyên eo biển Đải Loan và mục tiêu thống nhất của Trung Quốc, cũng như hoàn toàn phản đối bất cứ hành động đòi độc lập nào của Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.”

“Các nhà đầu tư Đài Loan phải tìm cách tự bảo vệ chính mình,” Alexander Huang, một giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Tamkang ở Đài Bắc nhận định với South China Morning Post. “Nếu Hà Nội không thể tìm ra cách để bảo vệ họ thì sẽ không tốt cho nền kinh tế của (Việt Nam).”

Vị giáo sư này còn cho rằng “rõ ràng là mệnh lệnh gần đây từ Bắc Kinh là ngoại giao can thiệp. Trung Quốc đã đưa ra chỉ thị để xóa bỏ tên của Đài Loan trên trường quốc tế, để gây sức ép lên họ phải quỳ gối trước Trung Quốc và để cho họ sắp đặt mối quan hệ chính trị."

VOA Express

XS
SM
MD
LG