Đường dẫn truy cập

Vụ tấn công ở Đắk Lắk: Chính quyền ráo riết bắt người, kiểm soát thông tin


Chính quyền đã huy động lực lượng hùng hậu các cảnh sát vũ trang truy bắt các tay súng ở Đắk Lắk
Chính quyền đã huy động lực lượng hùng hậu các cảnh sát vũ trang truy bắt các tay súng ở Đắk Lắk

Chỉ trong vòng hai ngày sau khi xảy ra vụ tấn công đẫm máu ở tỉnh Đắk Lắk, giới chức Việt Nam đã bắt giữ được 45 người đồng thời kiểm soát chặt chẽ thông tin trên báo chí cũng như phần lớn dư luận về vụ việc.

Vụ nổ súng xảy ra tại các trụ sở chính quyền – nơi đặt các cơ quan như Đảng ủy và Ủy ban nhân dân – của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thuộc cao nguyên trung phần Việt Nam vào rạng sáng ngày 11/6, khiến 9 người thiệt mạng, trong đó có 2 lãnh đạo xã, 4 công an viên và 3 dân thường.

Cho đến chiều ngày 13/6, tổng số người bị bắt giữ trong vụ việc đã lên đến 45 người, báo chí trong nước dẫn lời Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết, và nhiều vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC, bị thu giữ.

Hình ảnh các nghi pham bị bắt giữ được công bố cho thấy dường như họ thuộc các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên.

Số người bị bắt có thể sẽ tăng lên khi chính quyền đang tiếp tục truy lùng. Trong lúc này, Công an tỉnh Đắk Lắk đang kêu gọi những người lẩn trốn ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi chính quyền huy động lực lượng hùng hậu bao gồm cả công an và quân đội, trong đó lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5, Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát Đặc nhiệm và Công an Đắk Lắk, để ráo riết truy bắt cả ngày lẫn đêm, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Trang mạng VnExpress dẫn lời một cán bộ tham gia chiến dịch bố ráp cho biết họ tổ chức các đội vũ trang tinh nhuệ để ‘khoanh vùng, vây bắt những người lẩn trốn’.

Hình ảnh do Thông tấn xã Việt Nam công bố cho thấy công an và lính đặc nhiệm cầm súng, mặc áo chống đạn trong các xe chở quân dàn trận dày đặc vây bắt các đối tượng tại một địa điểm ở cầu Cá Ngựa, thôn Đồng Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin.

Hiện thông tin về vụ tấn công ở Đắk Lắk trên báo chí trong nước đang được kiểm soát chặt chẽ với nội dung tất cả các bản tin về vụ việc gần như giống nhau dựa trên những gì được Bộ Công an công bố.

Chính quyền cũng đã trừng phạt một người đàn ông 38 tuổi ở tỉnh Quảng Nam sau khi người này bị cho là đã ‘chia sẻ bài viết, bình luận xuyên tạc’ về vụ tấn công. Người đàn ông có tên viết tắt là T.R., sinh năm 1985, cư trú ở thành phố Hội An, Quảng Nam, bị phạt 5,5 triệu đồng về tội ‘cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức’, theo trang Thông tin Chính phủ và VnExpress.

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, chính phủ Việt Nam, hai bộ quốc phòng và công an đều đã cử phái đoàn công tác đến hiện trường để chỉ đạo, xem xét tình hình cũng như thăm hỏi, úy lạo gia đình các nạn nhân.

Phái đoàn chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu, còn các phái đoàn của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lần lượt do các Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, và Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, dẫn đầu.

Tây Nguyên là một địa bàn đặc biệt nhạy cảm về các vấn đề chính trị, sắc tộc và tôn giáo ở Việt Nam mà nổi cộm trong đó là các hoạt động đòi ly khai của người Thượng để thành lập nhà nước Degar. Địa bàn này trước đây đã từng xảy ra các vụ bạo loạn.

Hiện các đối tượng bị bắt giữ đang bị công an thẩm vấn nhưng động cơ của những người gây ra vụ tấn công vẫn chưa được công bố.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG