Đường dẫn truy cập

Vụ giết nhân viên chính quyền ở Đắk Lắk: Nhiều người nói bạo lực không phải là giải pháp


Công an Việt Nam bắt giữ 26 người sau vụ tấn công giết nhân viên chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6.
Công an Việt Nam bắt giữ 26 người sau vụ tấn công giết nhân viên chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6.

Hàng chục người chưa rõ danh tính đã tấn công 2 trụ sở chính quyền cấp xã ở tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6, giết chết ít nhất 7 người bao gồm 4 viên công an, báo chí Việt Nam tường thuật, dẫn lại thông tin từ chính quyền.

Bình luận về vụ việc, một số luật sư, nhà hoạt động, nhà báo nói với VOA rằng việc sử dụng bạo lực, kể cả để đấu tranh chống bất công, là điều không thể ủng hộ, song họ cũng cho rằng sự manh động tuyệt vọng của người dân không phải là vô cớ và phía chính quyền cần phải xem xét lại chính mình.

Vấn đề đất đai bị kích động?

Cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay một nhóm đông người vào sáng sớm ngày 11/6 đã dùng súng tấn công trụ sở công an của hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, thuộc huyện Cư Kuin (Chư Quynh), tỉnh Đắk Lắk, làm chết ít nhất 7 người, gồm 4 viên công an xã, những người còn lại là cán bộ xã và người dân.

Hai xã kể trên chỉ cách thành phố Buôn Ma Thuột hơn 5 km về phía đông nam theo đường chim bay và nằm rất gần sân bay Buôn Ma Thuột.

Tin cho hay đến trưa 12/6 công an bắt được “26 đối tượng” và thu giữ “một số vũ khí quân dụng, trong đó có súng trường CKC”. Một phát ngôn viên Bộ Công an cho hay lực lượng của bộ vẫn tiếp tục "truy quét các đối tượng còn đang lẩn trốn”.

Nhà nước nào cũng có đối lập, đúng không? Bên đối lập lợi dụng tình hình dân tộc và tình hình thu hồi đất để làm đường giao thông, các dự án phát triển kinh tế-xã hội để kích động nhóm đối tượng này.
Một người dân ở Ea Tiêu

Tin tức trên Cổng thông tin điện tử chính phủ và báo chí Việt Nam ở thời điểm chiều 12/6 không cho biết nguyên nhân nào đã dẫn đến vụ tấn công chết chóc.

Theo tìm hiểu của VOA, từ giữa năm 2022 đến tháng 3 năm nay, huyện Cư Kuin tiến hành giải phóng mặt bằng, bao gồm cả cưỡng chế, để lấy đất của hàng chục hộ dân ở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur.

Công tác giải phóng mặt bằng đó một phần là để phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, một phần là để chấn chỉnh hành lang an toàn giao thông dọc theo quốc lộ 27.

Báo chí trong nước cho hay nhiều người bị “thiệt đơn thiệt kép” trong các cuộc giải phóng mặt bằng kể trên.

Vào cuối giờ hành chính ngày 12/6, VOA cố gắng liên lạc với ủy ban nhân dân và công an huyện Cư Kuin, các cơ quan cấp trên của hai xã có vụ tấn công, để hỏi xem liệu vấn đề đất đai có liên quan gì đến vụ tấn công, nhưng không có hồi đáp.

Một người dân không muốn nêu tên, sống gần trụ sở ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu, nói với VOA rằng ông và nhiều người bàng hoàng về vụ tấn công và nêu nhận định về nguyên nhân:

“Nhà nước nào cũng có đối lập, đúng không? Bên đối lập lợi dụng tình hình dân tộc và tình hình thu hồi đất để làm đường giao thông, các dự án phát triển kinh tế-xã hội để kích động nhóm đối tượng này. Thực tế những người này theo tôi nghĩ là thành phần thiếu hiểu biết. Giờ xảy ra tình trạng như vậy cũng rất là đáng thương”.

Người dân này đưa ra nhận xét cá nhân về vị chủ tịch xã và bí thư đảng ủy xã bị thiệt mạng trong vụ tấn công:

“Chế độ này, chế độ tôi đang sống đây, có rất nhiều tiêu cực, nhưng hai đồng chí vừa mất được dân tin yêu, là hai cán bộ tốt thực sự. Là lãnh đạo cỡ chủ tịch, bí thư xã, họ không tham quyền, không tham chức, họ rất tốt với dân. Thứ bảy, Chủ nhật, họ đi làm rẫy. Hai người này thật hiếm có trong xã hội bây giờ”.

Nếu mà có điều tra phối hợp với một cơ quan độc lập, mọi chuyện sẽ tốt hơn. Điều tra của một cơ quan thì kết quả không thật như kỳ vọng đâu.
Nhà phản biện Chu Vĩnh Hải

Theo mô tả của người dân này, ban đầu, vụ tấn công làm người dân địa phương “sợ hãi” về mức độ “manh động”, nhưng sau khi được chính quyền,công an và bộ đội trấn an và thấy họ triển khai các lực lượng, người dân thấy “bình yên, không có xáo trộn gì”.

Ông Chu Vĩnh Hải, một cựu nhà báo lâu nay thường lên tiếng phản biện xã hội, nói với VOA rằng phía nhà nước Việt Nam cần phối hợp với một tổ chức độc lập để điều tra về vụ nổ súng ở Đắk Lắk vì nếu chỉ có cơ quan nhà nước điều tra sẽ không khách quan:

“Nếu mà có điều tra phối hợp với một cơ quan độc lập, mọi chuyện sẽ tốt hơn. Điều tra của một cơ quan thì kết quả không thật như kỳ vọng đâu. Nếu có điều tra độc lập nữa sẽ tốt hơn, có nghĩa là bất cứ tổ chức nào, trong nước hay ngoài nước, hay là điều tra độc lập của một cá nhân ở trong nước chẳng hạn”.

Hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (tỉnh Đắk Lắk) rất gần thành phố Buôn Ma Thuột và chính quyền huyện Cư Kuin.
Hai xã Ea Tiêu, Ea Ktur (tỉnh Đắk Lắk) rất gần thành phố Buôn Ma Thuột và chính quyền huyện Cư Kuin.

Những tiếng nói phản đối bạo lực

Trên mạng xã hội, một số người bình luận rằng vụ tấn công có thể là sự phản kháng bằng bạo lực của người dân sau những thua thiệt, bất công theo kiểu “con giun xéo lắm cũng quằn” hay “tức nước vỡ bờ”, theo quan sát của VOA.

“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”, “Dân oan căm phẫn bất ngờ đứng lên”, “Đây là những anh hùng thực sự nếu họ đứng lên vì đấu tranh”, v.v… là ý kiến của không ít người bày tỏ trên mạng.

Tôi phản đối các hành vi, hành động bạo lực, khủng bố. Thời buổi đã khác rồi, cuộc sống văn minh hiện đại rồi, người ta phản kháng bằng ôn hòa bất bạo động chứ không thể phản kháng bằng bạo lực và khủng bố được.
Cựu nhà báo Chu Vĩnh Hải

Tuy nhiên, có những người khác lên tiếng phản đối bạo lực, cho rằng làm như vậy có hại cho cuộc đấu tranh lớn hơn để có dân chủ, tiến bộ xã hội ở Việt Nam.

Một trong những người đó, ông Chu Vĩnh Hải, người vẫn hay đưa ra các ý kiến phản biện xã hội, chia sẻ suy nghĩ với VOA:

“Tôi phản đối các hành vi, hành động bạo lực, khủng bố. Thời buổi đã khác rồi, cuộc sống văn minh hiện đại rồi, người ta phản kháng bằng ôn hòa bất bạo động chứ không thể phản kháng bằng bạo lực và khủng bố được. Phản kháng bằng bạo lực, khủng bố gây thiệt hại rất lớn cho các bên, gây mất trật tự, mất ổn định cho cuộc sống xung quanh”.

Từng là nhà báo nhiều năm trong hệ thống báo chí nhà nước Việt Nam, ông Hải chỉ ra rằng vụ việc ở Đắk Lắk mới xảy ra nói riêng và những mâu thuẫn, xung đột ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua nói chung có nguyên nhân từ một trong ba, hoặc cả ba vấn đề “nổi cộm” là đất đai, sắc tộc và tôn giáo. Ông nói thêm:

“Người dân họ sẽ bức xúc. Mà bức xúc thì như ông cha ta đã nói ‘con giun xéo lắm phải quằn’. Nhưng ‘quằn’ theo kiểu nào? ‘Quằn’ bằng bạo lực, khủng bố là tôi phản đối”.

Để đấu tranh dân chủ, cần biết tập hợp lực lượng và đấu tranh ôn hòa chứ không phải là tạo cớ cho chính quyền đàn áp.
Luật sư Hà Huy Sơn

Cũng phản đối bạo lực, luật sư Hà Huy Sơn nói với VOA:

“Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực. Nếu người dân sử dụng bạo lực, chính quyền càng căn cứ vào đó, lấy lý do đó để càng siết chặt hơn cái đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi nhân quyền. Với những lý do như thế, tôi phản đối bạo lực trong đấu tranh”.

Luật sư Sơn đưa ra quan sát rằng ở Việt Nam, không ít người dân có quan niệm là chính quyền “có lỗi” trong những bất công, nên họ “hả hê” khi thấy những vụ tấn công vào cán bộ, nhân viên chính quyền. Ông Sơn cho rằng cách phản ứng đó chỉ kích động thêm bạo lực và vi phạm pháp luật. Ngược lại, ông đề cao sự ôn hòa:

“Xã hội nào cũng cần có pháp luật. Để đấu tranh dân chủ, cần biết tập hợp lực lượng và đấu tranh ôn hòa chứ không phải là tạo cớ cho chính quyền đàn áp”.

Trụ sở xã Ea Tiêu, tỉnh Đắk Lắk, sau vụ tấn công chết người hôm 11/6.
Trụ sở xã Ea Tiêu, tỉnh Đắk Lắk, sau vụ tấn công chết người hôm 11/6.

Vấn đề về phía chính quyền

Nếu sử dụng bạo lực thì các ông định giành chính quyền thì các ông sẽ xây dựng một chính quyền như thế nào? Cũng sẽ ứng xử với nhau bằng bạo lực thì khác gì tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa?
Luật sư Hà Huy Sơn

Với hiểu biết về Việt Nam, luật sư Sơn khẳng định các mâu thuẫn, bất ổn cũng có nguyên nhân từ phía chính quyền, mà cơ bản là “các quyền dân chủ của người dân chưa được tôn trọng, pháp luật chưa hoàn thiện, chưa nghiêm minh”. Đây là vấn đề lớn có tính lịch sử, ông nói và cho rằng không thể giải quyết bằng “một hai phản ứng tức thời”. Ông nói thêm:

“Người dân phải kiên trì, phải tìm hiểu pháp luật hiện hành để mà đấu tranh dựa trên pháp luật đó để mà đòi hỏi quyền lợi của mình. Giới trí thức, người có hiểu biết nên làm cho người dân hiểu điều đó, vì đó là cách đấu tranh phải trả giá thấp nhất”.

Ông Sơn lưu ý rằng khi dùng bạo lực, tương quan lực lượng giữa người phản ứng và chính quyền quá là chênh lệch, đồng thời ông cũng đặt câu hỏi về hệ lụy của đấu tranh bằng bạo lực:

“Nếu sử dụng bạo lực thì các ông định giành chính quyền thì các ông sẽ xây dựng một chính quyền như thế nào? Cũng sẽ ứng xử với nhau bằng bạo lực thì khác gì tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa?”

Ở Việt Nam, bạo lực đều xuất phát từ nhà cầm quyền ... người ta sử dụng chính luật pháp và tòa án để làm công cụ phục vụ lợi ích của thiểu số cầm quyền và chà đạp mọi quyền lợi, ước nguyện hợp pháp của người dân.
Nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên

Nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, nói với VOA rằng với tư cách là một người dân, bà “phản đối và lên án bạo lực, nhất là những vụ bạo lực gây ra cái chết”. Nhưng bà cũng chỉ ra rằng “bạo lực từ phía nhà cầm quyền cũng phải bị lên án một cách mạnh mẽ”.

Bà Nghiên và gia đình từng bị chính quyền Việt Nam o ép, ngăn cản đường sống trong nhiều năm và hiện sống tị nạn ở Mỹ. Bà đưa ra quan sát:

“Sự thực là ở Việt Nam, rất tiếc bạo lực đều xuất phát từ nhà cầm quyền. Luật pháp có, tòa án có nhưng người ta sử dụng chính luật pháp và tòa án để làm công cụ phục vụ lợi ích của thiểu số cầm quyền và chà đạp mọi quyền lợi, ước nguyện hợp pháp của người dân”.

Người dân sẽ chẳng bao giờ được biết sự thật đằng sau vụ việc kinh hoàng ở Đắk Lắk ngoài những gì được truyền thông nhà nước loan ra, bà Nghiên tiên liệu và nhận xét rằng cũng giống như tòa án, luật pháp, chính quyền Việt Nam “sử dụng truyền thông như là một phương tiện bạo lực để định hướng dư luận”.

Người phụ nữ từng bị chính quyền bỏ tù 4 năm và quản thúc 3 năm về tội “tuyên truyền chống nhà nước” cách đây hơn 10 năm giờ đây dự báo với VOA rằng “thế nào cũng có người bị bắt oan, bị xử oan. Một chế độ công an trị thì oan khuất ngút trời là lẽ đương nhiên”.

Nhắc lại quan điểm lên án bạo lực, giết chóc, song bà Nghiên cũng lưu ý đến yếu tố người dân bị công an, nhà cầm quyền “hãm hại, dồn nén quá mà ra thảm cảnh”. Người dân vốn rất sợ hãi công an và nhà cầm quyền, bà Nghiên nhận xét và nhấn mạnh rằng chính vì thế càng cần phải tìm hiểu điều gì dẫn đến việc họ dám manh động với kết cục như vậy.

Trong một bài có tựa đề “Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng về vụ tấn công trụ sở công an 2 xã tại huyện Cư Kuin”, cổng thông tin của chính quyền tỉnh Đắk Lắk hôm 11/6 viết rằng Bộ Công an “đề nghị” bà con huyện Cư Kuin và các địa bàn lân cận “bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở và lực lượng chức năng”.

Trang web Đắk Lắk Điện tử còn dẫn lời phát ngôn viên Bộ Công an “khuyến cáo các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG