Đường dẫn truy cập

Vụ sòng bạc trăm tỉ ở Tp.HCM khẳng định thêm nạn công an bảo kê tội phạm


Cựu sĩ quan công an Đoàn Hồng Phúc ở Tp.HCM bị truy tố vì bảo kê đánh bạc; tháng 12/2020
Cựu sĩ quan công an Đoàn Hồng Phúc ở Tp.HCM bị truy tố vì bảo kê đánh bạc; tháng 12/2020

Công an thành phố Hồ Chí Minh vừa hoàn tất điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát đồng cấp truy tố một cựu sĩ quan cảnh sát hình sự cùng 14 người khác về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Vụ việc một lần nữa làm dư luận lo ngại về nạn bảo kê tội phạm trong ngành công an.

Các báo Thanh Niên, Người Lao Động và VNExpress hôm 16/12 cho hay cựu sĩ quan cảnh sát bị công an Tp.HCM đề nghị truy tố là nguyên thượng úy Đoàn Hồng Phúc, 38 tuổi, từng giữ chức Phó trưởng công an phường 6, quận 6, trước khi bị bắt.

Trong số 14 người còn lại bị truy tố, đáng chú ý là Ngô Nhựt Thanh, 48 tuổi; và Tô Mỹ Nhí, 33 tuổi, vẫn theo tin của Thanh Niên, Người Lao Động và VNExpress.

Tin cho hay, sòng bạc của những người nêu trên hoạt động trong một căn nhà ở quận Tân Phú bị công an phát hiện hôm 5/5.

Cuộc điều tra của công an cho thấy căn nhà do Đoàn Hồng Phúc đứng ra thuê từ tháng 9/2019 rồi sau đó giao cho Ngô Nhựt Thanh và Tô Mỹ Nhí mở sòng binh xập xám để thu tiền xâu.

Từ tháng 10/2019 cho đến khi bị phát hiện, tổng số tiền các con bạc sát phạt tại đây lên đến khoảng 133 tỷ đồng, Thanh Niên, Người Lao Động và VNExpress trích dẫn nội dung kết quả điều tra. Trong tổng số tiền xâu thu được, Nhí hưởng 40%, Thanh 30%, sĩ quan cảnh sát Phúc được chia 10%.

Đây là sự việc khá là nghiêm trọng và cũng đáng báo động cho một thực tế. Đó là có những cán bộ, chiến sĩ công an không giữ được phẩm chất của mình và tham gia bảo kê cho bọn tội phạm.
Cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong


Theo công an Tp.HCM, giai đoạn sòng bạc hoạt động cũng là lúc Phúc còn nắm chức đội phó hình sự quận Tân Phú, có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm ở quận. Tuy nhiên, ông ta lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cộng tác làm ăn với những người cờ bạc chuyên nghiệp.

Cuộc điều tra của công an thành phố xác định rằng bị can Phúc “có hành vi bảo kê, góp tiền tổ chức đánh bạc nhằm thu lợi bất chính”, các báo trong nước đưa tin.

Đang có mặt ở Tp.HCM, cựu đại tá thuộc ngành công an Nguyễn Như Phong, người cũng là nhà văn-nhà báo có tiếng với không ít tác phẩm về công an, chia sẻ suy nghĩ của ông về vụ việc:

“Đây là sự việc khá là nghiêm trọng và cũng đáng báo động cho một thực tế. Đó là có những cán bộ, chiến sĩ công an không giữ được phẩm chất của mình và tham gia bảo kê cho bọn tội phạm. Không những bảo kê mà còn tổ chức. Như vậy đặt ra vấn đề lớn là có cán bộ, chiến sĩ công an tham gia các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là vấn đề nghiêm trọng”.

Cảnh sát bắt một sòng bạc ở Tp.HCM, ảnh trên báo Thanh Niên, 16/12/2020
Cảnh sát bắt một sòng bạc ở Tp.HCM, ảnh trên báo Thanh Niên, 16/12/2020

Quan sát các ý kiến trên mạng xã hội về vụ này, VOA nhận thấy dư luận Việt Nam lo ngại về tình trạng nhiều cán bộ công an dính líu vào hoạt động bảo kê tội phạm.

Diễn đàn “Nhật ký yêu nước”, với hơn 884.000 ngàn người theo dõi, đăng lại tin trên báo chính thống về vụ sòng bạc, kèm theo một nhận định là “Không một tệ nạn xã hội nào tồn tại nếu như không được công an bảo kê”.

Cũng trong diễn đàn, bình luận về nhận định nêu trên, một số người viết rằng “công an đồng hành cùng tội phạm là có thật”, hay “bảo kê là nghề tay trái của công an”.

Chỉ mới cách đây hơn 1 tháng, báo chí Việt Nam đưa tin công an Tp.HCM bắt, khởi tố 8 cán bộ công an đều của phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, vì bảo kê, bao che cho một số người tàng trữ, buôn bán ma túy.

Đã đến lúc công an phải trinh sát chính công an. Cần phải thành lập một cơ quan đặc biệt trong lực lượng công an nhân dân, chỉ làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ngay trong chính lực lượng công an.
Cựu đại tá Nguyễn Như Phong


Trước đó, vụ việc được xem là đình đám nhất về sự bảo kê của công an dành cho tội phạm là hai tướng của ngành này, Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, phải nhận các án tù lần lượt 9 năm và 10 năm vào tháng 11/2018 cho vai trò của họ trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ trên mạng.

Cựu đại tá công an Nguyễn Như Phong nói với VOA rằng trong khi ngành công an chống tội phạm hiệu quả và có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình đó, việc một số thành phần của ngành lại bảo kê cho tội phạm là điều “không hay, gây ra đau lòng”.

Ông Phong, cũng từng là Phó Tổng biên tập báo Công An Nhân Dân, cho rằng đã đến lúc ngành công an phải có bộ phận chuyên trách việc chống các hành vi vi phạm pháp luật trong nội bộ ngành. Ông nói:

“Đã đến lúc công an phải trinh sát chính công an. Cần phải có những biện pháp đặc biệt hơn để ngăn chặn, để giám sát các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân có các hành động tiêu cực. Phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn. Đó là thành lập một cơ quan đặc biệt trong lực lượng công an nhân dân, chỉ làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ngay trong chính lực lượng công an”.

Trong các cuộc thảo luận trên mạng xã hội mà VOA quan sát được, nhiều người nêu lên ý kiến rằng những vụ việc bị phát hiện cho thấy có những cán bộ công an bảo kê cho tội phạm đang làm cho người dân có tâm lý lo ngại, không biết có còn tin công an được hay không, và khi phát hiện tội phạm, liệu có dám trình báo với công an hay không.

VOA Express

XS
SM
MD
LG