Đường dẫn truy cập

Vụ 2 máy bay đâm nhau ở Nhật: Máy bay nhỏ hơn chưa được phép cất cánh


Chiếc máy bay chở khách của Japan Airlines bốc cháy ở sân bay Haned ở Nhật
Chiếc máy bay chở khách của Japan Airlines bốc cháy ở sân bay Haned ở Nhật

Giới chức Nhật Bản hôm 3/1 cung cấp thông tin về vụ máy bay chở khách va chạm với máy bay cánh quạt của Tuần dương tại sân bay ở Tokyo, cho hay rằng máy bay chở khách đã được phép hạ cánh, nhưng máy bay của Tuần dương chưa được phép cất cánh, dựa vào bản ghi chép các cuộc trao đổi với đài điều khiển không lưu.

Tất cả 379 người trên chiếc Airbus A350 của Japan Airlines đã thoát nạn kỳ diệu sau khi máy bay bốc cháy trong vụ va chạm với máy bay gắn động cơ tuốc bin cánh quạt De Havilland Dash-8 của lực lượng Tuần dương không lâu sau khi hạ cánh xuống sân bay Haneda.

Nhưng 5 người trong số 6 thành viên tổ bay trên máy bay của Tuần dương đã thiệt mạng, riêng cơ trưởng thoát được ra ngoài và bị thương nặng. Chiếc máy bay này lúc đó sắp cất cánh để ứng phó với trận động đất lớn ở bờ biển phía tây.

Nhà chức trách chỉ mới bắt đầu điều tra và vẫn chưa rõ về tình huống xung quanh vụ đụng máy bay này, bao gồm cả câu hỏi làm thế nào mà hai chiếc máy bay này lại cùng chạy trên một đường băng.

Nhưng các bản chép lại những lời hướng dẫn của đài kiểm soát không lưu, được nhà chức trách công bố, dường như cho thấy máy bay của Japan Airlines đã được phép hạ cánh nhưng máy bay của Tuần dương đã được yêu cầu đi đến một điểm đỗ tạm gần đường băng.

Cục Hàng không dân dụng Nhật Bản nói với báo giới rằng không có dấu hiệu nào trong các bản chép lại đó cho thấy máy bay Tuần dương được cấp phép cất cánh.

Cơ trưởng của máy bay Tuần dương nói rằng ông đã đi vào đường băng sau khi nhận được hiệu lệnh cho phép, một quan chức Tuần dương thuật lại, nhưng cũng thừa nhận rằng không có dấu nào hiệu trong bản chép lại cho thấy cơ trưởng được phép làm như vậy.

“Bộ Giao thông đang trình tài liệu khách quan và sẽ hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra để đảm bảo chúng tôi cùng nhau thực hiện tất cả các biện pháp an toàn khả dĩ nhằm ngăn chặn sự việc tái diễn”, Bộ trưởng Giao thông Tetsuo Saito nói với các phóng viên.

Ủy ban An toàn Giao thông Nhật Bản (JTSB) đang điều tra vụ việc, với sự tham gia của các cơ quan ở Pháp, nơi sản xuất máy bay Airbus, và Anh, nơi chế tạo hai động cơ Rolls-Royce, những người nắm rõ vấn đề cho biết.

JTSB đã lấy lại được máy ghi âm từ máy bay Tuần dương, giới chức trách cho biết.

Trong khi đó, cảnh sát Tokyo đang điều tra xem vụ việc có phải do sơ suất nghề nghiệp hay không, một số cơ quan truyền thông, bao gồm hãng tin Kyodo và tờ Nikkei, đưa tin.

Cảnh sát đã thành lập một đơn vị đặc biệt tại sân bay để điều tra và dự tính thẩm vấn những người liên quan, một phát ngôn nhân cho hay, nhưng không nói liệu họ có đang xem xét những quan ngại về sơ suất nghề nghiệp hay không.

“Nhiều khả năng là do lỗi con người”, nhà phân tích hàng không Hiroyuki Kobayashi, cựu phi công JAL cho biết.

“Tai nạn máy bay hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân duy nhất, vì vậy tôi nghĩ vụ này cũng có hai hay ba nguyên nhân”.

Trong một thông cáo hôm 3/1, hãng JAL nói rằng máy bay của họ đã xác nhận và nhắc lại hiệu lệnh cho phép hạ cánh từ đài kiểm soát không lưu trước khi bay xuống và tiếp đất.

Tất cả hành khách và phi hành đoàn đã được sơ tán trong vòng 20 phút sau vụ tai nạn, nhưng chiếc máy bay bị chìm trong ngọn lửa, cháy trong hơn 6 giờ, hãng hàng không này cho biết.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG