Đường dẫn truy cập

VN sẽ nêu vấn đề Biển Đông với Ấn Độ, trước chuyến thăm của ông Tập


Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn báo ANI. Photo ANI/Sily.
Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu trả lời phỏng vấn báo ANI. Photo ANI/Sily.

Trước chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ, Việt Nam hôm 03/10 cho biết tình hình ở Biển Đông “nghiêm trọng” và Hà Nội sẽ “hoan nghênh nếu Ấn Độ đóng vai trò mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu như vậy khi được trang ANI hỏi liệu Việt Nam có yêu cầu Ấn Độ nêu vấn đề biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đến thăm nước này hay không.

“Chúng tôi đã đề cập rằng chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của bất kỳ quốc gia nào trong việc tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực,” Đại sứ Phạm Sanh Châu nói.


Ngoài ra, Việt Nam sẽ vận động sự hậu thuẫn của Ấn Độ trong cuộc tranh chấp kéo dài với Bắc Kinh ở Biển Đông tại hội nghị an ninh cấp cao hai nước, trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục tăng cao ở Biển Đông.

Bản tin của tờ Hindustan Times trích lời Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết Việt Nam sẽ thảo luận về các hành vi xâm phạm biển Việt Nam của Trung Quốc tại hội nghị an ninh hàng năm với Ấn Độ sắp diễn ra ở tp.HCM.

Đại sứ Châu được trích lời nói rằng hôm 30/9 mới đây, Trung Quốc đã điều thêm 28 tàu vào vùng biển Việt Nam, bất chấp Việt Nam đã 40 lần trao đổi với phía Trung Quốc, kể từ vụ xâm phạm đầu tiên cách đây 3 tháng. Ông nói:

“Chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng họ không nên xâm phạm vùng biển của chúng tôi, và phải triệt thoái tất cả các tàu về trong thời gian sớm nhất có thể.”

Những hành động xâm phạm gần đây nhất của Trung Quốc xảy ra gần vùng biển nơi công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ, ONCG Videsh, đang thăm dò dầu khí.

Vẫn theo tờ báo này, Việt Nam và Ấn Độ sẽ thảo luận không những về tình hình an ninh của hai nước, mà còn về các vấn đề khu vực, và đặc biệt, tình hình hiện nay ở Biển Đông.


Về phần mình, Ấn Độ ra tuyên bố vào tháng 8 năm nay, khẳng định rằng New Dehli có “quyền lợi lâu dài gắn liền với hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.” Ấn Độ kêu gọi các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Quốc tế về Luật Biển.

Ấn Độ là một trong 3 nước có quan hệ chiến lược toàn diện với Việt Nam. Tại đối thoại an ninh hàng năm trong tháng này, ngoài vấn đề an ninh, hai chính phủ còn thảo luận về thương mại và đầu tư và hợp tác công nghệ cũng như khoa học.

Trang India Today cho biết, ông Tập Cận Bình, dự kiến sẽ gặp song phương không chính thức với Thủ tưởng Ấn Độ Narendra Modi tại thành phố Mahabalipuram từ ngày 11-13/10.

VOA Express

XS
SM
MD
LG