Đường dẫn truy cập

VN muốn gửi thêm công nhân sang Qatar lao động


Tư liệu- một công nhân di dân đang xây Hội trường Al-Wakra để chuận bị cho World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Doha. Ảnh chụp ngày 4/5/2015,
Tư liệu- một công nhân di dân đang xây Hội trường Al-Wakra để chuận bị cho World Cup 2022 sẽ diễn ra tại Doha. Ảnh chụp ngày 4/5/2015,

Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn thị Kim Ngân hôm 8/4/2019 cho hay bà đã yêu cầu giới lãnh đạo Qatar nhận thêm lao động Việt Nam giữa lúc nước này đang chuẩn bị cho World Cup 2022.

Bản tin của tờ Nhân Dân tường thuật rằng Chủ tịch quốc hội Việt Nam đã tiết lộ thông tin này trong cuộc gặp gỡ với các nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Doha, và cộng đồng người Việt tại Qatar.

Nguồn tin này dẫn lời ông Nguyễn Trung Hiếu, người đứng đầu văn phòng liên lạc của cộng đồng Việt Nam, nói với bà Kim Ngân rằng hiện có khoảng 1.400 người Việt ở Qatar, đa số là công nhân làm việc trong ngành xây dựng.

Qatar và Việt Nam đánh dấu 10 năm quan hệ bang giao hồi năm ngoái. Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao nói rằng quan hệ chính trị và ngoại giao tốt đẹp với Qatar cung cấp một nển tảng vững chắc để cổ vũ cho hợp tác kinh tế, đầu tư và du lịch.

Chủ tịch quốc hội Việt Nam đến Doha để dự Đại hội đồng lần thứ 140 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140), thể theo lời mời của Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron và Chủ tịch Nghị viện Ahmad Bin Abdullah Al Mahmoud.

Ngày hôm trước, Chủ nhật 7/4, bà Kim Ngân đã gặp Thủ Tướng Qatar Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani bên lề Đại Hội Đồng IPU-140.

Dịp này Chủ tịch quốc hội Việt Nam bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với nước chủ nhà trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Nhà lãnh đạo Qatar cũng bày tỏ mong muốn nhận thêm người Việt Nam tới Qatar làm việc trong một số lĩnh vực, kể cả chăm sóc y tế, thay vì chỉ tập trung vào ngành xây dựng như hiện nay.

Theo báo cáo về tình hình công nhân nước ngoài lao động ở Qatar trong phúc trình nhân quyền 2019 của Human Rights Watch, Qatar có một lực lượng lao động nước ngoài đông đảo, vượt quá 2 triệu người, tổng cộng chiếm tới 95% lực lượng lao động nước này. Ước lượng 800.000 người làm việc trong ngành xây dựng, 100.000 người phục vụ trong tư cách “ô-sin” giúp việc nhà.

Cách đây 2 năm, Tổ chức Human Rights Watch bày tỏ quan ngại về hệ thống bảo trợ chi phối việc mướn lao động di dân của Qatar (hệ thống kafala), trao quyền kiểm soát quá đáng cho giới chủ nhân, kể cả quyền cấm người lao động rời Qatar, hoặc thậm chí, đổi việc.

Dưới áp lực của các tổ chức vô vụ lợi quốc tế, Qatar đồng ý với Tổ chức Lao động Quốc tế sẽ triệt để cải cách hệ thống kafala, áp dụng mức lương tối thiểu, chấm dứt việc tịch thu tài liệu cá nhân, đình chỉ việc cấm công nhân rời Qatar, và tăng cường các nỗ lực để tránh cưỡng bách lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế - ITUC loan báo tin này vào tháng 10 năm 2017.

Tháng 11 năm 2017, Qatar ấn định mức lương tối thiểu cho công nhân nước ngoài là QR750, tương đương với US$ 206/tháng, và lần đầu tiên áp dụng các quy định bảo vệ lao động giúp việc nhà, như tối đa chỉ làm việc 10 giờ/ngày, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày, 3 tuần nghỉ phép/năm, cùng với một số phúc lợi y tế. Tuy nhiên, luật mới vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của Luật Lao động, và không đi kèm với những biện pháp trừng phạt những kẻ vi phạm.

Theo phúc trình của Human Rights Watch, Qatar không thi hành đầy đủ những cải cách mà họ đã hứa hẹn, và ngày 30/4/2018, Tổ chức Lao động Quốc tế khánh thành văn phòng đầu tiên ở Qatar trong một chương trình hợp tác 3 năm để giúp nước này thực hiện các cam kết hầu bảo vệ các quyền của công nhân di dân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG