Đường dẫn truy cập

VN chúc mừng ‘cáo bạc’ ngoại giao TQ thăng chức


Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà khách Chính phủ ngày 4/8/2013.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) bắt tay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Nhà khách Chính phủ ngày 4/8/2013.

Trung Quốc hôm 19/3 bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là một trong 5 ủy viên Quốc vụ viện, giúp ông trở thành nhà ngoại giao nắm giữ chức vụ hàng đầu trong việc quyết định chính sách ngoại giao, theo Reuters.

Ngay sau đó, truyền thông Việt Nam cho hay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gửi điện mừng “nhân dịp đồng chí Vương Nghị được bổ nhiệm giữ chức Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Lập trường cứng rắn

Ông Vương được xem là người có lập trường mạnh mẽ bảo vệ lợi ích của Trung Quốc giữa bối cảnh nước này đang đối diện với hàng loạt thách thức từ bên ngoài.

Theo tường thuật của Reuters, Quốc hội “nghị gật” của Trung Quốc đã thông qua việc thăng chức cho ông Vương trong một cuộc bỏ phiếu vào ngày 19/3.

Ủy viên Quốc vụ viện là chức cao hơn bộ trưởng. Người giữ chức này sẽ báo cáo trực tiếp cho nội các. Việc ông Vương được bổ nhiệm giữ chức vụ này được xem là một động thái bất thường, nhưng không phải chưa từng có tiền lệ chuyện một người nắm giữ cả hai vị trí.

Ông Vương, 64 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2013.

Ông nói tiếng Nhật lưu loát, từng là đại sứ Trung Quốc tại Tokyo và là người đứng đầu Văn phòng Đài Loan Sự vụ, hoạch định chính sách của Trung Quốc đối với hòn đảo này.

Truyền thông Trung Quốc và những người hâm mộ gọi ông là “con cáo bạc” vì diện mạo và thủ thuật ngoại giao của ông. Các nhà ngoại giao nước ngoài thì xem ông là một người tinh tế, thu hút nhưng rất cứng rắn.

Ông Vương là người được cho là “thân thiện bất thường” với giới báo chí nước ngoài. Ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì sự cứng rắn trong những vấn đề khó khăn như tranh chấp Biển Đông, hay lối phản ứng nhanh, dí dỏm, đôi khi nóng tính, khi đối phó với những lời chỉ trích về Trung Quốc.

Trước đó, các nguồn tin cho Reuters biết ông Vương có lẽ sẽ trở thành một Ủy viên Quốc vụ viện phụ trách về ngoại giao, và đồng thời vẫn giữ chức Ngoại trưởng.

Việc thăng chức cho ông Vương diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ đang xấu đi do tranh chấp thương mại và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hòn đảo tự trị Đài Loan, và vào lúc Trung Quốc đang hy vọng sẽ đưa các cuộc đàm phán với quốc gia khó lường và có trang bị hạt nhân là Bắc Hàn trở lại quỹ đạo.

Nhận định với Reuters, ông Shi Yinhong, một chuyên gia về ngoại giao Trung Quốc tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, từng cố vấn cho chính phủ về các vấn ngoại giao, cho rằng trong vai trò mới, ông Vương sẽ tiếp tục cố vấn và báo cáo cho các lãnh đạo hàng đầu để giúp thực hiện viễn kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc nâng cao vị thế ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc thăng chức không có nghĩa là ông Vương sẽ chỉ đạo chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chuyên gia Shi nói thêm: “Rốt cục thì vai trò của ông vẫn chỉ là thứ yếu”.

Ảnh hưởng của người tiền nhiệm

Ông Dương Khiết Trì, người mà ông Vương thay thế chức Ủy viên Quốc vụ viện, vẫn thuộc Bộ Chính trị, cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ông Dương vẫn có tiếng nói có ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại.

Ông Dương năm nay 67 tuổi, vẫn giữ chức tổng thư ký của cơ quan chỉ đạo về đối ngoại trong Bộ Chính trị, mà người đứng đầu là ông Tập.

Tại cuộc họp báo thường nhật, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Mọi người đều biết rằng đồng chí Dương Khiết Trì là ủy viên Bộ Chính trị. Chúng tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc”, bà Hoa nói và không giải thích thêm chi tiết.

Chính phủ Trung Quốc được xem là không có quyền lực thực sự và Đảng mới là cơ quan ra quyết sách. Mặc dù không phải là ủy viên Bộ Chính trị, nhưng ông Vương cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là cơ quan ra quyết định lớn nhất của Đảng, thấp hơn một bậc so với Bộ Chính trị.

Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao nói ông Dương đang chạy đua làm phó thủ tướng, nhưng tên của ông không có trong danh sách dành cho vị trí này.

Cựu Ngoại trưởng Dương nói tiếng Anh lưu loát nhưng lại không nổi bật trước công chúng và rất hiếm khi nói chuyện với các nhà báo nước ngoài.

Ông từng là một trong những “con thoi” của Trung Quốc với chính quyền Trump, nhờ kiến thức sâu rộng về Hoa Kỳ của ông trong thời gian làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, trong đó có chức đại sứ từ năm 2000-2004.

VOA Express

XS
SM
MD
LG