Đường dẫn truy cập

Việt Nam vận động quốc tế cho ghế thành viên nhân quyền LHQ 2023


Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 76 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22-9-2021, theo giờ Hoa Kỳ. Photo chụp từ UN Web TV.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 76 tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22-9-2021, theo giờ Hoa Kỳ. Photo chụp từ UN Web TV.

Hôm 23/9, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi quốc tế ủng hộ cho chiếc ghế thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) năm 2023 mà Hà Nội đang nhắm tới.

Phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 76 tại New York, Hoa Kỳ, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói:

“Với nguyện vọng tiếp tục đóng góp cho công việc chung, Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và các cơ chế quan trọng khác của Liên hợp quốc, và mong muốn nhận được sự ủng hộ của các nước.”

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thông báo Việt Nam sẽ ứng cử vị trí thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 với tư cách là ứng viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của UNHRC vào 2014 với nhiệm kỳ hai năm, sau khi đạt được số phiếu bầu 184/192 vào tháng 11/2013.

UNHRC, gồm 47 quốc gia thành viên được bầu trực tiếp bằng cách bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phân phối địa lý công bằng, theo đa số. Tổ chức này vừa bầu ra 15 thành viên mới trong cuộc bầu cử gần nhất vào tháng 10/2020, và vòng bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Ông Vũ Quốc Ngữ, người đứng đầu của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, hôm 24/9, viết cho VOA nêu nhận định rằng chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam “không xứng đáng được trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ vì vi phạm một cách có hệ thống và trong thời gian liên tục về các quyền con người căn bản.”

Theo thống kê của Người Bảo vệ Nhân quyền, “hiện có hơn 260 tù nhân lương tâm đang bị đày đọa trong nhà tù hay trại tạm giam khắp cả nước”.

Tuy nhiên, ông Ngữ cho biết rằng Việt Nam, cũng như Trung Quốc và nhiều nước có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, vẫn có thể trở thành thành viên của UNHRC chỉ vì tổ chức này có 47 quốc gia thành viên và được bầu luân phiên theo khu vực.

“Việt Nam từng là thành viên của tổ chức này trong nhiệm kỳ 2014-2016, tuy nhiên, trong giai đoạn này, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không được cải thiện,” ông Ngữ cho biết.

“Nếu có lòng tự trọng thì Việt Nam sẽ không ứng cử vào UNHRC trước khi tiến hành cải cách chính trị và chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền,” ông Ngữ đưa ra khuyến nghị.

LHQ: Nạn đe dọa và trả thù giới hoạt động tại VN ‘đáng quan ngại’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:43 0:00

Luật sư Vũ Đức Khanh, người theo dõi tình hình Việt Nam từ Canada, hoan nghênh động thái này của Việt Nam và đánh giá cao “nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh vừa chống đại dịch COVID-19, vừa chăm lo sức khoẻ cho người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh, an toà, trật tự xã hội.” Tuy nhiên, ông Khanh nêu nhận định với VOA rằng “những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam trong 10 năm gần đây rất đáng quan ngại”.

“Chính phủ Việt Nam không ngừng hình sự hoá các hoạt động biểu đạt về chính trị, bóp nghẹt tiếng nói của người dân và thẳng tay đàn áp các nhà báo độc lập và những người bất đồng chính kiến,” Luật sư Khanh viết.

Truyền thông nhà nước loan tin rằng một số trang mạng ở nước ngoài đã “xuyên tạc” tình hình Việt Nam, “phủ nhận” những thành tựu nhân quyền của Việt Nam, “vu cáo” Việt Nam không có đủ năng lực để ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.

“Nhiều bài viết tuyên truyền, nói xấu chế độ, chính quyền Việt Nam, vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận, xâm phạm quyền con người,” trang VOV viết.

Trang VOV dẫn lời Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công An), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ, cho biết “những luận điệu xuyên tạc này đã đi ngược lại những thực tế đang diễn ra ở Việt Nam”.

Truyền thông Việt Nam cho rằng việc ứng cử thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023-2025 đã thể hiện mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, đồng thời giới lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định rằng “Việt Nam hoàn toàn xứng đáng” để ứng cử vào tổ chức này.

Vào đầu năm 2021, Văn phòng Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền (OHCHR), đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc sử dụng “điều luật mơ hồ” ở Việt Nam trong việc bắt giữ tùy tiện một số lượng ngày càng tăng các nhà báo, blogger, nhà bình luận và những người bảo vệ nhân quyền, cũng như cho thấy “sự kìm hãm ngày càng tăng” của chính quyền đối với quyền tự do ngôn luận trong nước.

OHCHR nêu trường hợp chính quyền Việt Nam bắt giam và tuyên án tù dài hạn đối với các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn.

Ngoài ra, OHCHR kêu gọi chính quyền Việt Nam ngưng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận; đồng thời yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người đã bị giam giữ trong những trường hợp tương tự.

VOA Express

XS
SM
MD
LG